Sign In

Tháo gỡ vướng mắc cho tỉnh Lâm Đồng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

10:56 10/01/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Ngày 9/1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tham dự cùng Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại buổi làm việc có thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Khoáng sản Việt Nam; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Biến đổi khí hậu; Văn phòng Bộ.

Về phía tỉnh Lâm Đồng có sự tham dự của ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc

Qua báo cáo của tỉnh, hiện nay, qua quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đối với lĩnh vực khoáng sản và đất đai gặp vướng mắc chồng lấn trong triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg; phương án sử dụng đất sau khai thác Bauxit thuộc dự án Tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng; Công tác cải tạo, phục hồi môi trường cũng như phương án đóng cửa mỏ một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, tỉnh gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động khai thác nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân; đồng thời kiến nghị Bộ hỗ trợ công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của địa phương, của các ngành có hoạt động khai thác tài nguyên nước.

Trong lĩnh vực môi trường, theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 03 nhà máy xử lý chất thải rắn đang hoạt động, 02 nhà máy đang triển khai xây dựng, tất cả chủ đầu tư nhà máy đều là doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình hoạt động, một số nhà máy chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chưa đáp ứng theo đúng mục tiêu đầu tư, ý thức, trách nhiệm chủ đầu tư chưa cao…

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra những lợi thế, cũng như vướng mắc hiện nay của địa phương và đề xuất lãnh đạo Bộ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường.

Với những kiến nghị của Lâm Đồng trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là vướng mắc chồng lấn trong triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo Quyết định số 866, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết đây là vướng mắc chung của một số tỉnh có khoáng sản Bauxit phân bổ tại địa phương. Do đó đề nghị các đơn vị chuyên môn về khoáng sản của Bộ cần có đề án xử lý một cách toàn diện, triệt để nhưng phải nhanh chóng và tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Trong đó, cần rà soát, điều tra lại tổng thể, chuẩn hoá các nguồn số liệu để cung cấp đầy đủ thông tin cho các bên có liên quan về khoáng sản Bauxit. Đồng thời, vẫn phải tham mưu và tháo gỡ các vướng mắc cho địa phương trong các dự án cụ thể đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án đầu tư công, các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia…

Ngoài ra, phối hợp cùng với các địa phương, Bộ Công thương, Tập đoàn TKV tổng hợp toàn bộ và chi tiết hoá số liệu chồng lấn về diện tích, khu vực, hiện trạng hiện nay; đề xuất một phương án tháo gỡ tổng thể (có thể xây dựng dự thảo một Nghị quyết của Chính phủ về việc này) để các địa phương thực hiện trình tự theo tiêu chí chung.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về việc đóng cửa mỏ, đề nghị đơn vị quản lý đất đai hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai 2024, cho phép tái định cư tại chỗ; đơn vị quản lý trong lĩnh vực môi trường hướng dẫn địa phương thực hiện điều chỉnh thực hiện trong giấy phép môi trường…

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, đề nghị có văn bản đôn đốc, hướng dẫn để các địa phương có lộ trình và thực hiện việc khai thác tài nguyên nước, cung cấp nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân. Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn các địa phương bám sát các Quy hoạch lưu vực sông, kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông để khai thác nguồn nước một cách bền vững, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Trong lĩnh vực môi trường, cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của chính sách xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế tại các địa phương, để công tác quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

Chủ tịch Trần Hồng Thái cho rằng, với những ý kiến tháo gỡ vướng mắc, gợi mở, định hướng phát triển của lãnh đạo các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng sẽ có những chỉ đạo để địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của cá nhân Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ TN&MT để Lâm Đồng hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

 

 

baotainguyenmoitruong.vn

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống “nảy mầm” từ quyết sách

Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống “nảy mầm” từ quyết sách

Tài nguyên nước là nền tảng của sự sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý về tài nguyên nước: “Quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”. Hiện tượng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông là bước đi mang tính chiến lược, đặt nền tảng pháp lý quan trọng, là gốc rễ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 56/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Lê Minh Ngân giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào thi đua năm 2025

Ngày 07/01, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 154/BTNMT-TCCB gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua về việc phát động phong trào thi đua năm 2025.