Sign In

Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Singapore trong phát triển bền vững

17:07 09/01/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Sáng 9/1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có buổi làm việc quan trọng với Ngài Đại sứ Singapore, Jaya Ratnam, cùng các đồng nghiệp tại Đại sứ quán Singapore. Cuộc họp nhằm trao đổi những định hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của Singapore như là đối tác chiến lược trong khu vực. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua đã góp phần giải quyết những thách thức môi trường và khí hậu, đồng thời mở ra các cơ hội phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với Đại sứ Singapore, Jaya Ratnam

Trong chuyến thăm Singapore vào tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng đã tham gia nhiều cuộc gặp mặt quan trọng, bao gồm các buổi trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Singapore và Bộ trưởng Bộ Nhân lực Tan See Leng để trao đổi định hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ghi nhận kết quả nổi bật này đã góp phần quan trọng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam.

Trong cuộc làm việc lần này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Đại sứ Jaya Ratnam trao đổi các nội dung về Biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris. Hai bên bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong việc thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký Bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2022, qua đó tiến tới xây dựng Thỏa thuận hợp tác cụ thể về trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cuộc đàm phán và triển khai các dự án hợp tác theo các hướng dẫn của COP29.

Về phát triển bền vững kinh tế biển và năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Đại sứ Jaya Ratnam chia sẻ thông tin về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Singapore dự kiến nhập khẩu 4GW điện sạch từ các quốc gia trong khu vực vào năm 2035, và dự án điện gió ngoài khơi giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Sembcorp (Singapore) là một trong những minh chứng điển hình cho sự hợp tác này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tại buổi làm việc sáng ngày 9/1

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Điện lực và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì điều tra cơ bản để xác định tiềm năng năng lượng điện gió ngoài khơi để làm cơ sở cho các dự án phát triển từ đó góp phần thực hiện nhiều mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển.

Về nội dung Kinh tế số và kinh tế xanh, Đại sứ Jaya Ratnam cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Chính phủ phát triển trong hai lĩnh vực này, do đó Singapore sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là trong các hoạt động giám sát, quan trắc môi trường, và cảnh báo thiên tai. Các sáng kiến về chuyển đổi số và năng lượng sạch sẽ là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác tiếp theo giữa hai quốc gia.

Đại sứ Singapore, Jaya Ratnam

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ kỳ vọng rằng Đại sứ quán Singapore sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giúp thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và các đối tác Singapore. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng được mở rộng, bao gồm việc hoàn thiện thể chế chính sách về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore sẽ không ngừng phát triển, góp phần vào việc xây dựng một tương lai bền vững cho cả hai quốc gia, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

 

 

baotainguyenmoitruong.vn

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống “nảy mầm” từ quyết sách

Quản lý tài nguyên nước: Những hạt giống “nảy mầm” từ quyết sách

Tài nguyên nước là nền tảng của sự sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý về tài nguyên nước: “Quá thừa, quá thiếu, quá bẩn”. Hiện tượng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch tài nguyên nước trên lưu vực sông là bước đi mang tính chiến lược, đặt nền tảng pháp lý quan trọng, là gốc rễ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 56/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Lê Minh Ngân giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào thi đua năm 2025

Ngày 07/01, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn số 154/BTNMT-TCCB gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khối trưởng, Cụm trưởng các Khối, Cụm thi đua về việc phát động phong trào thi đua năm 2025.