Lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kịch bản nguồn nước ở một số lưu vực sông lớn. Vì sao?
Ngày 2-1, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông CHÂU TRẦN VĨNH, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), về chủ đề "công bố kịch bản nguồn nước".
Thưa ông, kịch bản nguồn nước có ý nghĩa thế nào và tại sao lại phải công bố?
Trước ngày 1-7-2024 (Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực) việc khai thác, sử dụng nước vẫn mang tính đơn ngành, đơn lẻ, bị động. Ví dụ nông nghiệp thì hằng năm ngành thủy lợi sẽ xây dựng kế hoạch lấy nước, còn thủy điện xây dựng kế hoạch điều độ điện và ngành cấp nước đô thị cũng có một kế hoạch cấp nước riêng…
Do không có kế hoạch sử dụng nước được xây dựng dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước đã dẫn đến việc khai thác, sử dụng chưa thực sự hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Công bố kịch bản nguồn nước để nâng cao tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trên lưu vực trong mọi tình huống, chuyển từ thế bị động sang chủ động nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và nhất là nước sinh hoạt.
Kịch bản nguồn nước sẽ phân tích, đánh giá và nhận định trạng thái nguồn nước trên lưu vực sông gồm "bình thường", "thiếu nước", "thiếu nước nghiêm trọng" làm cơ sở để cảnh báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Khi kịch bản nguồn nước công bố ở trạng thái thiếu nước hoặc thiếu nước nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước.
Bên cạnh đó sẽ ưu tiên cho nước có giá trị kinh tế cao và ưu tiên theo từng thời điểm. Ví dụ như có những thời điểm ưu tiên nước cho nông nghiệp thường là tháng 1, 2 và tháng 3 nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng đến tháng 4, 5 và tháng 6 là ưu tiên nước cho thủy điện để đảm bảo an ninh năng lượng...
Đồng thời sẽ phải cắt giảm một số hoạt động sử dụng nước lãng phí, không hiệu quả.
Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố được bao nhiêu kịch bản?
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa mới công bố 2 kịch bản nguồn nước trên 2 lưu vực sông lớn, quan trọng nhất đó là lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông.
Hiện nay chúng tôi đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện 6 kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông lớn đã có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông là Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Hương, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai.
Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phấn đấu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trước ngày 15-1 tới để làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng nước.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong điều hành nguồn nước thế nào, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng luật chúng tôi đã nghiên cứu tổng hợp kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia phát triển, kinh nghiệm hàng đầu trong việc quản lý nguồn nước như Úc, Mỹ, Trung Quốc, Nam Phi, Mexico, Brazil và một số quốc gia khác như Hà Lan, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc.
Những quốc gia kể trên họ điều hành nguồn nước tự động, liên tục theo thời gian thực trên nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống hỗ trợ ra quyết định hiện đại, tiên tiến.
Mặc dù chúng ta đã có Luật Tài nguyên nước năm 2023 là một bước tiến lớn về tư duy quản lý tài nguyên nước nhưng đến nay nhiều thứ còn chưa làm được với nhiều nguyên nhân trong đó là chưa có hệ thống thông tin dữ liệu, hệ thống công cụ ra quyết định.
Hiện nay Cục Quản lý tài nguyên nước đang cố gắng triển khai các giải pháp nhằm kêu gọi xã hội hóa vấn đề nêu trên và chúng tôi cũng đã đăng ký một số dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để xây dựng hệ thống ra quyết định trên các lưu vực sông. Các hệ thống này có sớm ngày nào tài nguyên nước sẽ được quản lý hiệu quả ngày đó.
Hy vọng đến trước năm 2030 thì 13 lưu vực sông lớn của Việt Nam sẽ vận hành theo thời gian thực, có nghĩa điều hòa phân phối nguồn nước bằng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định. Điều hành tức thì không phải mất thời gian độ trễ để tính toán.
Khi có công cụ điều hành tài nguyên nước không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước điều phối tài nguyên một cách hiệu quả mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp.
Điều hành nguồn nước ra sao để ứng phó với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết câu chuyện hạn mặn là bài toán rất phức tạp, trong đó vấn đề dự báo mưa, nguồn nước từ thượng nguồn (các thủy điện lớn trên dòng chính, các hồ chứa dòng nhánh), việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn… và khả năng vận hành của các công trình ngăn mặn.
Theo nhận định của kịch bản nguồn nước trên lưu vực cho thấy năm 2025 hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ít hơn, không khốc liệt như mùa khô của những năm trước (2019-2020, 2023-2024). Về cơ bản vẫn chủ động được nguồn nước, chỉ một vài vùng nhỏ lẻ không kiểm soát được, có khả năng vẫn thiếu nước nhưng chỉ là cục bộ và pháp luật tài nguyên nước cũng đã giao toàn quyền cho địa phương xử lý.
Hạn hán thiếu nước ở một số huyện thì lãnh đạo cấp tỉnh phải chủ động. Chỉ khi nào hơn quá nửa tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn mặn thì mới cần bộ, ngành trung ương công bố ứng phó và Thủ tướng Chính phủ sẽ có các quyết định để chỉ đạo.