Ngày 15/01, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Văn bản số 255/KH-UBND Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 6 năm 2025.
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; và Quyết định số 3776/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 6 năm 2025.
Kế hoạch nhằm mục đích dự báo hiện trạng nguồn nước trên địa bàn tỉnh và nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành; đề xuất kế hoạch khai thác, sử dụng nước của từng khu vực. Đề xuất các giải pháp điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng nhu cầu phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất, phù hợp với thực trạng nguồn nước của tỉnh và Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tại Quyết định số 3776/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2024.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 6 năm 2025 theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Chủ trì, phối hợp trong việc tham mưu điều hòa, phân phối nguồn nước phù hợp với thực trạng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu khai thác, phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch cũng nêu ra hiện trạng nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 6 năm 2025, bao gồm: Hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt; Hiện trạng tích nước của các hồ chứa; Hiện trạng cấp nước sinh hoạt; Hiện trạng khai thác nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi; Hiện trạng khai thác nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện.
Trên cơ sở hiện trạng nguồn nước, Kế hoạch cũng nêu ra dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên trong kỳ kế hoạch, cụ thể như sau:
Theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, hiện tại hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nghiêng dần về pha lạnh và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 50%-55% và sẽ duy trì trạng thái La Nina đến các tháng đầu năm 2025, sau đó La Nina có khả năng suy yếu dần, chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất từ 55-70% từ khoảng tháng 3 đến tháng 5/2025.
Nhiệt độ trong các tháng 12/2024, các tháng: 01,04,05 của năm 2025 phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng còn lại phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ từ khoảng cuối tháng 02 đầu tháng 3/2025 và sẽ gia tăng từ khoảng tháng 3 và tháng 4/2025. Sau đó nắng nóng có khả năng tiếp tục gia tăng hơn về cường độ và tần suất trong các tháng chính hè 2025. Cường độ nắng nóng có khả năng tương đương trung bình nhiều năm.
Tổng lượng mưa trên lưu vực trong tháng 12/2024 phổ biến từ 10mm 35mm (thấp hơn từ 5mm-10mm so với trung bình nhiều năm); các tháng 01, 02/2025 phổ biến từ 15mm-40mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ); tháng 3/2025 phổ biến 50mm-80mm (cao hơn trung bình nhiều năm từ 5mm-10mm), tháng 4/2025 phổ biến từ 70mm-120mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm); tháng 5/2025 phổ biến từ 180mm-270mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm). Trong các tháng 01-02/2025, trên lưu vực sông Đà có khả năng xuất hiện một số ngày mưa nhỏ với tổng lượng mưa tháng từ 15mm-30mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm).
Dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình, trong đó có sông Đà về tổng thể dòng chảy các tháng mùa cạn trên các sông có xu hướng thiếu hụt trong thời gian cuối tháng 11 và các tháng 12/2024 và 01/2025 từ 10%-40%. Từ tháng 02 đến tháng 5/2025 dòng chảy trên sông Đà có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10%-30% và xấp xỉ trung bình giai đoạn 2020-2024.
Văn bản số 255/KH-UBND của UBND tỉnh Lai Châu cũng nêu cụ thể kế hoạch khai thác, sử dụng nước của các lĩnh vực đến tháng 6/2025. Trong đó, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sinh hoạt khu vực đô thị sẽ tập trung vào các giải pháp như thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các trạm cấp nước sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh đảm bảo vận hành thường xuyên, liên lục, không bị hỏng hóc, gián đoạn hoặc rò rỉ, thất thoát, lãnh phí nước; thường xuyên kiểm tra vệ sinh, khơi thông các nguồn nước đảm bảo lưu thông dòng chảy, hạn chế thất thoát nước; thực hiện điều tiết hợp lý, hài hòa việc khai thác, sử dụng các nguồn nước khác; trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu hụt lượng lớn nước cấp cho sinh hoạt thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác cho các mục đích khác như: thủy điện, thủy lợi để bổ sung khối lượng nước thiếu hụt; tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng tiết kiệm nước, có biện pháp chủ động tích trữ nước nhất là từ tháng 01/2025 - tháng 4/2025;…
Kế hoạch khai thác, sử dụng nước sinh hoạt khu vực nông thôn tập trung vào các giải pháp về thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch/hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân; hường xuyên kiểm tra vệ sinh, khơi thông các nguồn nước đảm bảo lưu thông dòng chảy, hạn chế thất thoát nước; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước, có biện pháp tích trữ nước để đảm bảo nhu cầu sử dụng; trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu hụt lượng lớn nước cấp cho sinh hoạt, vận động nhân dân tìm kiếm nguồn nước dưới đất để sử dụng như: Các nguồn nước dưới đất xuất lộ tự nhiên, đào mới hoặc sửa chữa giếng nước đã có;…
Kế hoạch khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung vào các giải pháp về thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa, vận hành, khai thác tốt các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, giảm thất thoát, lãng phí nước, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 6 năm 2025; tổ chức khai thác, cấp nước sản xuất theo các đợt, mùa vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp; Thực hiện điều tiết hợp lý việc khai thác, sử dụng các nguồn nước khác;…
Kế hoạch khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất điện tập trung vào các giải pháp như sau:
Đối với 03 công trình thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát có hồ chứa điều tiết nước dài hạn (điều tiết năm), đảm bảo sẵn sàng thực hiện việc vận hành xả nước phát điện thực hiện theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ hệ thống lưới điện Quốc gia, vận hành xả nước chống hạn theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia trong giai đoạn tháng 12/2024 đến tháng 6/2025;
Đối với 12 công trình thủy điện có dung tích hồ chứa trên 1 triệu m3 và 46 hồ thủy điện dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 điều tiết nước phát điện theo giờ trong ngày, duy trì mực nước trong hồ chứa không thấp hơn mực nước chết và không vượt quá mực nước dâng bình thường thông qua các tổ máy phát điện và công trình xả lũ. Căn cứ lưu lượng nước chảy về hồ chứa và lệnh điều độ của Trung tâm điều độ hệ thống lưới điện các cấp để có chế độ vận hành phát điện phù hợp, trong đó ưu tiên duy trì vận hành phát điện với mực nước cao nhất để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Trường hợp, mực nước hồ chứa đang ở mực nước chết mà lưu lượng nước về hồ thấp hơn lưu lượng phát điện tối thiểu của 01 tua bin thì nhà máy dừng hoạt động phát điện;
Thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, các thủy điện có giải pháp cắt giảm sản lượng, ưu tiên cấp bổ sung nước cho sinh hoạt, sản xuất.
Về tổ chức thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, kiểm tra việc chấp hành duy trì xả dòng chảy tối thiểu các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, tham mưu cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất; đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, tiếp nhận hồ sơ phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Căn cứ Kịch bản nguồn nước trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong thời kỳ tiếp theo, chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi để lấy nước phục vụ đổ ải và tưới dưỡng sản xuất nông nghiệp tập trung, hạn chế tối đa phát sinh các nhu cầu lấy nước gia tăng ngoài các đợt lấy nước tập trung.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi; tăng cường sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi có hiệu quả lấy nước kém; đồng thời, chỉ đạo việc tính toán cụ thể nhu cầu nước cho tưới dưỡng lúa (tháng 2,3,4/2025) theo hướng tăng hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi. Có biện pháp bổ sung nguồn nước dự phòng để chủ động bổ sung lượng nước trường hợp nguồn nước khó khăn.
Chủ trì, nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước theo Kết luận 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành đối với hồ chứa thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với với những diện tích thiếu nước; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán.
Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đôn đốc các chủ đầu tư rà soát, lập, trình phê duyệt điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện nhằm bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước, trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước ưu tiên sử dụng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ các dự án thủy điện trong việc điều tiết hồ chứa công trình thủy điện trong trường hợp thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, các dự án, công trình thủy điện trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch; thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước đối với khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện các dự án, công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch thủy lợi, quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch khác có liên quan;….