Sign In

Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San

08:37 16/01/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Ngày 14/01/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San.

Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phạm vi xây dựng kịch bản trên toàn bộ lưu vực sông Sê San, được phân chia thành 06 tiểu vùng theo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: tiểu vùng Thượng Đắk Bla; tiểu vùng Hạ Đắk Bla, tiểu vùng Thượng Sê San, tiểu vùng Trung Sê San, tiểu vùng Hạ Sê San, tiểu vùng Sa Thầy với tổng diện tích là 11.450 km².
Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
Nội dung Kịch bản gồm những nội dung chính: Hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Sê San; Dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa nước lớn, quan trọng; mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố Kịch bản nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố Kịch bản; Trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông Sê San; Kết luận và kiến nghị...

Ảnh minh họa


Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý
Theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Sê San được công bố, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Sê San khoảng 445,8 triệu m3, trong đó tiểu vùng Thượng Đăk Bla khoảng 73,4 triệu m3, tiểu vùng Hạ Đăk Bla khoảng 136,5 triệu m3, tiểu vùng Thượng Sê San khoảng 14,5 triệu m3, tiểu vùng Trung Sê San khoảng 71,6 triệu m3, tiểu vùng Hạ Sê San khoảng 134,1 triệu m3 và tiểu vùng Sa Thầy khoảng 15,7 triệu m3. Tiểu vùng lưu vực sông Hạ Đăk Bla, Hạ Sê San là khu vực có nhu cầu khai thác, sử dụng nước lớn nhất.
Trên cơ sở thông tin, số liệu về hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong tầng chứa nước dưới đất, dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, có thể nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Sê San trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng thái bình thường”.
Tuy nhiên, đối với 03 hồ chứa thuỷ điện lớn trên lưu vực (Ialy, Pleikrông, Sê San 4), mặc dù về tổng thể thì nguồn nước của 03 hồ chứa cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, nhưng nếu 03 hồ vận hành đảm bảo duy trì lưu lượng xả về hạ du sông Sê San liên tục không nhỏ hơn 195 m3/s trong suốt thời gian mùa cạn, thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước, ảnh hưởng đến vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và an toàn của hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực sông Sê San, đặc biệt vào các tháng cuối mùa cạn, xảy ra nắng nóng diện rộng, ít mưa.
Đối với các tiểu vùng trên lưu vực sông Sê San, trên cơ sở hiện trạng nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, hiện trạng cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi, nhu cầu khai thác, sử dụng, dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu trên lưu vực, nguồn nước trên 06 tiểu vùng thuộc lưu vực sông Sê San trong mùa cạn năm 2025 cơ bản ở trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình, hệ thống sông, suối nhỏ hẹp, độ dốc lớn nên khả năng giữ nước rất hạn chế và mùa khô kéo dài, lượng mưa ít, độ ẩm giảm mạnh, lượng bốc hơi lớn là các yếu tố bất lợi dẫn đến nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước mang tính cục bộ có thể xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt là các khu vực có hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ, hồ chứa có dung tích nhỏ và các khu vực ngoài phạm vi cấp nước của hồ chứa phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước mưa, cụ thể như sau:
Tiểu vùng Thượng Sê San
Tiểu vùng Thượng Sê San có một phần diện tích thuộc 03 huyện: Ngọc Hồi, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, là tiểu vùng có nhu cầu sử dụng nước tương đối ít. Nguồn nước mặt dồi dào, các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía thượng nguồn), sông Đắk Rơ Long, sông Đắk Pru và sông Đắk Na.
Toàn vùng hiện có 4 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 02 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m3/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của vùng, ít có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước trong các tháng mùa cạn năm 2025.
Tiểu vùng Trung Sê San
Tiểu vùng Trung Sê San có một phần diện tích thuộc 06 huyện/thành phố: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Đắk Tô, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía trung lưu), sông Đắk Uy, sông Đăk Ta Kan, sông Đăk Psi.
Toàn vùng hiện có 45 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 9 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m3/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 85% so với dung tích thiết kế (hồ Đăk Uy đạt 97% dung tích thiết kế, hồ Đăk Rơn Ga đạt 100% dung tích thiết kế, hồ C19 đạt 86% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
uy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, TP. Kon Tum.
Tiểu vùng Thượng Đắk Bla
Tiểu vùng Thượng Đắk Bla có một phần diện tích thuộc 05 huyện: Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Kon Rẫy, Kon Plong thuộc tỉnh Kon Tum và Kbang thuộc tỉnh Gia Lai. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Đăk Bla, suối Măng Ke, sông Kon Keng, sông Đăk Pơ Ne.
Toàn vùng hiện có 5 hồ chứa thủy lợi, trong đó các hồ đều có dung tích dưới 1 triệu m3/s, riêng huyện Kbang chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước. Theo quy hoạch dự kiến bổ sung các hồ Dak Tô Long, hồ Suối Lơ.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc huyện Đăk Hà, thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Kbang thuộc tỉnh Gia Lai.
Tiểu vùng Hạ Đắk Bla
Tiểu vùng Hạ Đắk Bla có một phần diện tích thuộc 07 huyện/thành phố: Ia Grai, Đắk Đoa, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; Đắk Hà, Kon Rẫy, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Đây là vùng có mật độ tập trung dân cư và kinh tế xã hội, nhu cầu khai thác, sử dụng nước nhiều. Nguồn nước mặt và nước dưới đất tương đối dồi dào. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Đắk Bla, Đắk Cấm, Đắk Ne.
Toàn vùng hiện có 24 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 9 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m3/s trở lên. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 90% so với dung tích thiết kế (hồ Đăk Yên đạt 91% dung tích thiết kế, hồ Đăk Loh đạt 100% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, các khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên tiểu vùng vẫn có nguy cơ cao thiếu hụt nguồn nước.
Tiểu vùng Hạ Sê San
Tiểu vùng Hạ Sê San có một phần diện tích thuộc 07 huyện/thành phố: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai; Ia H'Drai, Sa Thầy, TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Đây là vùng có mật độ tập trung dân cư và kinh tế xã hội, nhu cầu khai thác, sử dụng nước nhiều. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sê San (phía hạ lưu), sông Ia Krel, sông Ia Nhinh.
Toàn vùng hiện có 54 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 6 hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 1 triệu m3/s trở lên và theo quy hoạch dự kiến bổ sung các hồ Ia Kiâm 3, Làng Canh, Ia Rơ Dung. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa lớn đã tích được trên 90% so với dung tích thiết kế (hồ Biển Hồ đạt 99% dung tích thiết kế, hồ Đăk Yên đạt 91% dung tích thiết kế), có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước.
Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6/2025 do nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước tưới của các hồ chứa thủy lợi, các khu vực chưa có công trình hồ chứa tích trữ nước vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, trong đó, một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước cấp cho nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực thuộc các huyện Ia Grai, Chư Păh, TP. Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai và TP. Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum.
Tiểu vùng Sa Thầy
Tiểu vùng Sa Thầy có một phần diện tích thuộc 03 huyện/thành phố: Ia H'Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum, là tiểu vùng có nhu cầu sử dụng nước tương đối ít. Các sông chính cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước của vùng bao gồm: sông Sa Thầy, sông Ia Tri.
Toàn vùng hiện có 7 hồ chứa thủy lợi, trong đó các hồ đều có dung tích dưới 1 triệu m3/s. Hiện trạng nguồn nước trong các hồ chứa thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của vùng, trong các tháng mùa cạn năm 2025 ít có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước.
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp với kịch bản nguồn nước
Trước tình hình đó, Bộ TN&MT thấy rằng, để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôc đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Chỉ đạo rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng tiểu vùng trên lưu vực. Đặc biệt là các khu vực có nguồn nước dưới đất hạn chế, khu vực khó khăn để khai thác nguồn nước mặt (khu vực có địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt), khu vực thiếu các công trình tích trữ nước, hệ thống công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa trên cơ sở tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng dòng chảy trên lưu vực sông Sê San, hiện trạng khai thác, sử dụng nước ở hạ du làm cơ sở tính toán, đề xuất giá trị dòng chảy cần duy trì dòng chảy về phía hạ du Campuchia cho phù hợp với năng lực, an toàn hệ thống công trình thủy điện trên lưu vực, an ninh năng lượng và hiện trạng công trình khai thác, sử dụng và công trình điều tiết trên sông Sê San phía hạ lưu Campuchia.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước (tiểu vùng Trung Sê San, Thượng Đắk Bla, Hạ Đắk Bla và Hạ Sê San).
Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ và các công trình trữ nước quy mô hộ gia đình, công trình thu trữ nước trên đất dốc; ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để mở rộng diện tích tưới; khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Xây dựng, nâng cấp hệ thống dẫn nước từ các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí; đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ chỉ điều tiết nước cho hoạt động tưới khi thực sự có nhu cầu.
Giám sát chặt chẽ yêu cầu xả dòng chảy về hạ du các hồ chứa thủy điện trên lưu vực, đặc biệt là hồ Thượng Kon Tum.
Đặc biệt, tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước thuộc các huyện: Đắk Tô, Đắk Hà, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kbang (tỉnh Kon Tum); Đăk Đoa, Ia Grai, Đức Cơ, Kbang, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cần đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa, đập dâng; cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng, nâng cao năng lực cấp nước của các nhà máy cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân;…
Quy định trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện
Về trách nhiệm tổ chức, thực hiện, theo Quyết định số 163/QĐ-BTNMT, các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông Sê San, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Sê San.
Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Sê San trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

DWRM

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Cục Quản lý tài nguyên nước gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ 2025

Sáng ngày 21/1, nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 sắp đến, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức buổi gặp mặt và chúc Tết các đồng chí lãnh đạo Cục qua các thời kỳ và các cán bộ hưu trí từng công tác tại Cục Quản lý tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đôn đốc các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật

Ngày 17/01, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký ban hành văn bản số 412/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Bộ TN&MT: Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ chủ chốt: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ.