Ngày 17/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ chủ chốt: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước Dương Hồng Sơn cho biết, năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Các đơn vị đã đã thành khối lượng công việc lớn theo Chương trình công tác, trọng tâm là trình ban hành 03 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 06 nhiệm vụ Chính phủ và 05 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ngoài chương trình công tác, năm 2024 các đơn vị đã quyết tâm hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ công bố 8 Kịch bản nguồn nước (lần đầu) để chủ động trong việc điều hoà, sử dụng nước trên các lưu vực sông; Trình Bộ trưởng ban hành 02 Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ để đảm bảo tính công khai minh bạch trong thực hiện cải cách hành chính. Cùng với đó, các đơn vị cũng triển khai thực hiện nhiều Dự án, Đề án, chương trình chuyên môn quan trọng và các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia, cấp Bộ; đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; phối hợp với gần 30 địa phương trong việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, triển khai thi hành pháp luật về tài nguyên nước.
Về công tác tiếp nhận, trả kết quả các thủ tục hành chính, tính đến ngày 20/12/2024, Bộ đã tiếp nhận và thẩm định 244 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; trả kết quả 184 thủ tục đảm bảo đúng thời gian, quy trình theo quy định. Thực hiện bảo đảm 100% thủ tục hành chính xử lý trên môi trường mạng; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 10 TTHC (cấp Trung ương) và 12 TTHC (cấp tỉnh) đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Năm 2024, công tác hợp tác quốc tế của các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, tích cực hợp tác với các đối tác phát triển triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, với vai trò là Trưởng nhóm tài nguyên nước của ASEAN tại Việt Nam, đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác ASEAN về tài nguyên nước như tham gia hội nghị, hội thảo và đóng góp ý kiến chuyên môn cho các hoạt động trong nhóm; Hoàn thành tốt các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác vùng; tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia có chung nguồn nước; Triển khai có hiệu quả, tích cực các nội dung hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới, Hà Lan, Phần Lan, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngoài ra, tích cực tìm kiếm, mở rộng xây dựng quan hệ với các đối tác mới có tiềm năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, đồng thời có lợi ích trong việc hỗ trợ phát triển, quản lý sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên nước như Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc…, tích cực mở rộng mạng lưới với các đối tác mới như Unesco, Unicef…, tăng cường tìm kiếm, triển khai các nguồn vốn ODA không hoàn lại để thực hiện các Dự án hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Theo báo cáo, trong năm 2024, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ký theo thẩm quyền hơn 5000 văn bản, trong đó có 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước. Kết quả đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong việc phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ ao không san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh; ban hành kế hoạch điều tra cơ bản; gửi báo cáo sử dụng nước; các chủ giấy phép khai thác.
Về kết quả công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương, các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn; đã có 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh; có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 49/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; có 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước được các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết thêm, năm 2025, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung tổ chức, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm An ninh nguồn nước quốc gia; đề xuất các biện pháp phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết”, nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông; tổ chức Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những công cụ cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Các đơn vị cũng tiếp tục tổ chức triển khai việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; tập trung hoàn thành việc lập, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tăng cường công tác đôn đốc, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế giai đoạn 2025-2026, tăng cường vai trò của Việt Nam trong hợp tác Mê Công.
Đồng thời, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023 – 2027. Chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác tài nguyên nước Mê Công- Lan Thương lần thứ hai tại Việt Nam; Tăng cường hoạt động của tổ chức lưu vực sông và hoàn thiện Đề án tổ chức lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cũng tập trung thực hiện phương án sắp xếp, hợp nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, bám sát các quy định và chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ; phù hợp với bối cảnh của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời thể hiện rõ mục tiêu, quan điểm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch.
Đẩy mạnh các hoạt động KHCN, đề xuất các nhiệm vụ mới nhằm phục vụ cho việc thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước; hạch toán tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả,.…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của các đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ trong năm 2024.
“Lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao như: công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước luôn được hoàn thành trước và đúng hạn; nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các Dự án, Đề án, chương trình chuyên môn; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác cải cách hành chính được tiến hành đồng bộ, hiệu quả; công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được triển khai toàn diện;…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần duy trì khối đoàn kết chặt chẽ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ TN&MT để cập nhật, triển khai hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn.
Cùng với đó, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản liên quan, nâng cao chất lượng tuyên truyền để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Công tác phổ biến pháp luật cần tập trung vào việc tạo nhận thức đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng và cơ quan quản lý.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nâng cấp và mở rộng mạng quan trắc sông; tăng cường công tác cảnh báo dự báo thiên tai, tài nguyên nước, bao gồm dự báo ngắn hạn và dài hạn trên lưu vực sông trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mê Công trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, nước không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực quan trọng, mang ý nghĩa tài chính và chiến lược lâu dài. Đảm bảo an ninh nguồn nước là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Đây sẽ là nội dung ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển chung của ngành tài nguyên nước. Chính vì vậy, các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng, đẩy mạnh “kinh tế hoá” tài nguyên nước hướng tới quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo an ninh nguồn nước nước quốc gia – yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế và xã hội.
Theo đó, năm 2025 sẽ là năm bản lề để lĩnh vực tài nguyên nước thể hiện rõ hơn vai trò và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm, các đơn vị sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.