Ngày 14/01/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 161/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hương.
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hương được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phạm vi xây dựng kịch bản lưu vực sông Hương bao gồm 10 tiểu vùng quy hoạch: đồng bằng Bắc sông Bồ; đồng bằng Nam sông Bồ và Bắc sông Hương; thượng sông Bồ; đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận; lưu vực sông Hữu Trạch; lưu vực sông Tả Trạch; Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế; lưu vực sông Truồi; lưu vực sông Bù Lu; lưu vực sông A Sáp.
Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, bao gồm: Hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Hương; Dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa nước lớn, quan trọng; mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố Kịch bản nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố Kịch bản; Trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông Hương; Kết luận và kiến nghị.
Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý
Theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hương được công bố, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Hương trong 8 tháng đầu năm 2025 khoảng 619,8 triệu m3, phần lớn là khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (chiếm tỷ lệ khoảng 99,8%), trong đó tiểu vùng khai thác lớn nhất là đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận chiếm khoảng 37%.
Trong đó, tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp khoảng 52 triệu m3, trong đó tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt khoảng 39,7 triệu m3. Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025 khoảng 497,5 triệu m3. Nhu cầu nước sản xuất thuỷ điện từ tháng 01 đến tháng 8 năm 2025 của 03 nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch khoảng 1,08 tỷ m3 (tương đương tổng sản lượng điện khoảng 276,2 triệu kWh), thấp hơn so với TBTK 2015-2024 (289,7 triệu kWh) khoảng 5%, thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2024 (306,6 triệu kWh) khoảng 10%.
Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Hương, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và các yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông Hương cơ bản ở trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác bảo đảm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực sông Hương vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp với kịch bản nguồn nước
Trước tình hình đó, Bộ TN&MT thấy rằng, để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Hương trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương8. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, chỉ đạo nghiên cứu nâng cao khả năng tích trữ, năng lực điều tiết đối với các hồ chứa Tả Trạch trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa trên cơ sở tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Ủy ban nhân dân thành phố Huế rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước, khai thác nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra thiếu nước (tiểu vùng Ô Lâu và phụ cận thuộc Thừa Thiên Huế, khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và Phá Tam Giang thuộc tiểu vùng Đồng bằng Nam sông Hương và phụ cận, Lưu vực sông Bù Lu…).
Chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng phương án khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất phục vụ sinh hoạt và các hoạt động sản xuất đối với các khu vực có nguy cơ bị thiếu nguồn nước mặt, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và phá Tam Giang.
Kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào các sông, suối, bảo đảm chất lượng nguồn nước cho các nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và cho hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố Huế; kiểm soát chặt chẽ việc vận hành đập Thảo Long đảm bảo ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt, phối hợp với các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước, giao thông thủy ở hạ du và cải thiện cảnh quan, du lịch thành phố Huế và đảm bảo không gây ngập úng các vùng trũng sông Hương, sông Bồ phía thượng lưu; đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành đập Thảo Long đảm bảo các nhiệm vụ công trình, tránh thất thoát nguồn nước, giảm thiểu áp lực cấp nước và tăng hiệu quả phát điện cho các hồ chứa phía thượng lưu.
Quy định trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện
Về trách nhiệm tổ chức, thực hiện, theo Quyết định số 161/QĐ-BTNMT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các thành phố Huế và Đà Nẵng trên lưu vực sông Hương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các thành phố Huế, Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hương.
Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hương trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân các thành phố Huế và Đà Nẵng chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.