Sign In

Công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Đồng Nai

08:19 16/01/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Ngày 14/01/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Đồng Nai.

Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Đồng Nai được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phạm vi xây dựng kịch bản trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai bao gồm 6 tiểu vùng quy hoạch: Thượng lưu sông Đồng Nai, Hạ lưu sông Đồng Nai, Sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ, Sông Bé, Sông La Ngà, Phụ cận ven biển tương đương với 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, bao gồm: Hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai; Dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa nước lớn, quan trọng; mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố Kịch bản nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố Kịch bản; Trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai; Kết luận và kiến nghị.
Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).

 

Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý

Theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Đồng Nai được công bố, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2025 vào khoảng 6,48 tỷ m3. Trong đó, vùng hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là khu vực có nhu cầu khai thác, sử dụng nước lớn nhất: lưu vực thượng lưu sông Đồng Nai khoảng 1,15 tỷ m3; lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai khoảng 1,22 tỷ m3; lưu vực sông Bé khoảng 0,3 tỷ m3; lưu vực sông La Ngà khoảng 0,39 tỷ m3; lưu vực sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ khoảng 2,19 tỷ m3; lưu vực phụ cận ven biển khoảng 1,23 tỷ m3.
Trong đó, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trong mùa cạn năm 2025 trên lưu vực khoảng 2,53 tỷ m3. Tổng số công trình cấp nước sinh hoạt (với lưu lượng khai thác từ 5.000 m3/ngày đêm đối với khai thác nước mặt và từ 1.000 m3/ngày đêm đối với khai thác nước dưới đất) là 323 công trình, với tổng lượng nước khai thác khoảng 1,8 tỷ m3. Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp từ tháng 01 đến tháng 6/2025 vào khoảng 3,62 tỷ m3. Nhu cầu nước phục vụ sản xuất thuỷ điện (của 08 hồ chứa thuỷ điện lớn trên lưu vực) từ tháng 01 đến tháng 6/2025 khoảng 11,35 tỷ m3 (tương đương sản lượng điện 2.664 triệu kWh), thấp hơn khoảng 10% so với TBTK (2.964 triệu kWh), xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2024.
Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông Đồng Nai, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng trong kỳ công bố kịch bản, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các tiểu vùng, tiểu lưu vực sông, vùng quy hoạch cơ bản ở Trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nguồn nước trên lưu vực trong kỳ công bố kịch bản vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn nước (lượng nước và chất lượng nước) cấp cho các mục đích nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp với kịch bản nguồn nước
Trước tình hình đó, Bộ TN&MT thấy rằng, để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôc đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà giám sát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời, chỉ đạo việc phối hợp trong vận hành xả nước phục vụ đẩy mặn, nâng cao khả năng lấy nước cho các công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng ở hạ lưu sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa, tạo thuận lợi cho vận hành công trình thủy lợi lấy nước và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện trên cơ sở tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước (vùng thượng sông Đồng Nai thuộc tỉnh Lâm Đồng, vùng lưu vực sông La Ngà thuộc tỉnh Bình Thuận, vùng phụ cận ven biển thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).
Giám sát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước các hồ chứa thuỷ lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các hệ thống thuỷ lợi như: Dầu Tiếng - Phước Hoà, Cầu Mới tuyến V và VI, Sông Ray, Đá Đen, Sông Quao, …phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nước.
Kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước hồ Dầu Tiếng, Phước Hoà, Trị An và hạ lưu sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh và Tp. Bến Cát, tỉnh Bình Dương), hạ lưu sông Đồng Nai (khu vực Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Đồng thời, khẩn trương xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các nhà máy nước khai thác nguồn nước mặt cấp nước cho sinh hoạt, đặc biệt tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.
Tổ chức chỉ đạo khai thác nước mặt, nước dưới đất theo hình thức kết hợp hoặc luân phiên; chỉ đạo đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo kế hoạch phát triển cấp nước của địa phương.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, trong đó: hỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch khai thác nước sông Đồng Nai, Sài Gòn phục vụ cấp nước cho sinh hoạt phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn và chế độ điều tiết nước của các hồ chứa thượng lưu; Chỉ đạo xây dựng phương án, giải pháp cấp nước an toàn cho các nhà máy nước, đặc biệt là các nhà máy cấp nước lớn khai thác nguồn nước hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Về lâu dài, nghiên cứu, đầu tư giải pháp khai thác nước trực tiếp từ các hồ thuỷ lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi để cấp nước cho sinh hoạt, giảm dần việc khai thác nước trực tiếp trên đoạn hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai; Khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô, công suất và lộ trình điều chỉnh quy hoạch các nhà máy nước (nếu cần thiết) trong trường hợp các nhà máy nước mặt, mạng lưới cấp nước không đảm bảo tiến độ để cấp nước liên tục, ổn định cho nhân dân;…
Đối với việc khai thác nguồn nước dưới đất, theo Bộ TN&MT, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên lưu vực sông Đồng Nai chỉ chiếm khoảng 16,3% so với lượng nước có thể khai thác và những năm gần đây mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước đang được kiểm soát ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Vì vậy, nguồn nước dưới đất vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng để khai thác, phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và có thể gia tăng công suất khai thác đối với các công trình tại một số khu vực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương nhưng cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất thông qua các hoạt động khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đăng ký, kê khai, cấp phép theo quy định để đảm bảo không gây hạ thấp mực nước quá mức, gia tăng sụt lún mặt đất, xâm nhập mặn.
Đồng thời với xu thế mực nước đang dâng lên trong các tầng chứa nước và nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác nước dưới đất thì đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực sông Đồng Nai khẩn trương rà soát, phê duyệt kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, trong đó sớm đưa ra khỏi Danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực, các tầng chứa nước mà mực nước dưới đất đã phục hồi, nhất là đối với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Long An.
Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu thực hiện Văn bản số 3201/BTNMT-TNN ngày 20/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Quy định trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện
Về trách nhiệm tổ chức, thực hiện, theo Quyết định số 160/QĐ-BTNMT, các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông Đồng Nai trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này theo quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai.
Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

DWRM

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Cục Quản lý tài nguyên nước gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ 2025

Sáng ngày 21/1, nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 sắp đến, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức buổi gặp mặt và chúc Tết các đồng chí lãnh đạo Cục qua các thời kỳ và các cán bộ hưu trí từng công tác tại Cục Quản lý tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đôn đốc các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật

Ngày 17/01, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký ban hành văn bản số 412/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Bộ TN&MT: Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của lĩnh vực tài nguyên nước. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ chủ chốt: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Viện Khoa học tài nguyên nước; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ.