Ngày 14/01/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-BTNMT về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Đồng thời, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phạm vi xây dựng kịch bản là phần diện tích lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm 04 tiểu lưu vực sông, cụ thể: tiểu lưu vực sông Bằng Giang; tiểu lưu vực sông Bắc Khê; tiểu lưu vực sông Bắc Giang và tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng.
Nội dung công bố của Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 4 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, bao gồm: Hiện trạng nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; Dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa nước lớn, quan trọng; mực nước trong các tầng chứa nước trong kỳ công bố Kịch bản nguồn nước; Nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố Kịch bản; Trạng thái của nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; Kết luận và kiến nghị.
Kỳ công bố Kịch bản, trong mùa cạn năm 2025 (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025).
Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý
Theo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng được công bố, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành (trừ thủy điện) trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng từ tháng 01 đến tháng 6/2025 khoảng 297 triệu m3, trong đó tiểu lưu vực sông Bằng Giang khoảng 107 triệu m3, tiểu lưu vực sông Bắc Khê khoảng 20 triệu m3, tiểu lưu vực sông Bắc Giang khoảng 66 triệu m3 và tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng khoảng 104 triệu m3.
Nhìn chung, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trong kỳ công bố Kịch bản xấp xỉ năm 2024. Khu vực các thành phố Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn là khu vực có nhu cầu khai thác, sử dụng nước lớn nhất.
Trên cơ sở thông tin, số liệu về hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong các tầng chứa nước dưới đất, dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, nhận định khả năng nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trong mùa cạn năm 2025 ở “Trạng thái bình thường”.
Tuy nhiên, một số vùng, tiểu lưu vực sông vẫn còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ do thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy, năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ, cụ thể như sau:
Đối với tỉnh Cao Bằng: nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp có thể xảy ra tại các huyện Nguyên Bình (các xã Triệu Nguyên, Yên Lạc, Vũ Minh, Minh Tâm), huyện Hòa An (các xã Đức Long, Đại Tiến, Hoàng Tung), huyện Quảng Hoà (xã Hồng Quang), huyện Hoà An (các xã Nước Hai, Bạch Đằng), huyện Trùng Khánh (xã Cao Chương) và thành phố Cao Bằng (xã Vinh Quang).
Trong đó, đặc biệt khả năng cao xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng (gồm các xã Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ) và huyện Quảng Hòa (các xã Chí Thảo, Hồng Quang.
Đối với tỉnh Bắc Kạn: nguy cơ thiếu nước cho sản xuất cho nông nghiệp có thể xảy ra tại huyện Na Rì (các xã Xuân Dương, Lương Thượng).
Đối với tỉnh Lạng Sơn: nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp có thể xảy ra tại các huyện Tràng Định (xã Tri Phương), huyện Văn Lãng (các xã Hoàng Văn Thụ, Hoàng Việt), huyện Bình Gia (xã Hoàng Văn Thụ) và thành phố Lạng Sơn (các xã Hoàng Đồng, Mai Pha, Quảng Lạc).
Về cơ bản, nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nguồn nước trên một số tiểu lưu vực sông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ (tiểu lưu vực sông Bắc Giang và tiểu vùng Mo Pia thuộc tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng) và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ thiếu nước ở các tiểu vùng do thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy, năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Đặc biệt đối với 07 xã Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ (vùng Lục Khu) của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là khu vực có địa hình cao, lượng mưa ít, không có sông, suối cung cấp nước và khan hiếm nước dưới đất nên khả năng cao xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp với kịch bản nguồn nước
Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ xảy ra thiếu nước nêu trên.
UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, ô nhiễm nguồn nước.
Xây dựng, nâng cấp hệ thống dẫn nước từ các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí; đối với các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ chỉ điều tiết nước cho hoạt động tưới khi thực sự có nhu cầu.
Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, đặc biệt đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước tại tiểu vùng Mo Pia và tiểu lưu vực sông Bắc Giang, trong đó: ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; chuyển diện tích trồng lúa sang các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước.
Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước (tiểu lưu vực sông Bắc Giang thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; tiểu vùng Mo Pia thuộc tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn).
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với một số dòng chính chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp như sông Bằng Giang đoạn chảy qua thành phố Cao Bằng, thị trấn Nước Hai, sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua thành phố Lạng Sơn, thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng,… và các đoạn sông bị ô nhiễm do các hoạt động khai thác khoáng sản (sông Hiến).
Đối với UBND tỉnh Lạng Sơn sớm hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bản Lải đảm bảo nhiệm vụ cấp nước, phòng lũ và các nhiệm vụ khác; đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Rà soát, nâng cao khả năng lấy nước và hiệu quả sử dụng nước đối với các công trình thủy lợi Tà Keo, Nà Cáy.
Khai thác hiệu quả nguồn nước các hồ chứa Nà Tâm, Thâm Sỉnh, Bó Diêm, Rọ Hoạt, Kéo Páng để giảm thiểu ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước.
Ưu tiên xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, khó khăn nguồn nước trên địa bàn tỉnh1 cụ thể: các xã Tri Phương, huyện Tràng Định; các xã Hoàng Văn Thụ, Hoàng Việt, huyện Văn Lãng; các xã Hoàng Đồng, Mai Pha, Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn.
Đối với UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo khai thác hiệu quả nguồn nước các hồ chứa Bản Nưa, Khuổi Lái, Nà Tấu.
Ưu tiên xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, khó khăn nguồn nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể: vùng Lục Khu (các xã Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ) và các xã Chí Thảo, Hồng Quang, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, có các giải pháp khác như dẫn nước từ các hồ thủy lợi hiện có về các khu vực thiếu nước mưa, nguồn nước dưới đất khan hiếm; hồ chứa, hồ treo,…
Khẩn trương cải tạo, nâng cấp các nhà máy nước đô thị và xây dựng, đưa các nhà máy nước, mạng lưới cấp nước vào hoạt động theo đúng tiến độ và lộ trình, trong đó lưu ý thị trấn Nước Hai.
Đối với UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khai thác hiệu quả nguồn nước hồ Bản Chang để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.
Ưu tiên xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, khó khăn nguồn nước các xã Xuân Dương, Lương Thượng, huyện Na Rì.
Quy định trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện
Về trách nhiệm tổ chức, thực hiện, theo Quyết định số 158/QĐ-BTNMT, các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước ban hành kèm theo Quyết định này quy định tại khoản 1, khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.
Căn cứ Kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu tính toán, cập nhật và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường về khí tượng, thủy văn hoặc phát sinh các yêu cầu đối với nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, an ninh lương thực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng, cập nhật Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng.
Văn phòng Bộ, Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn chỉ đạo việc đăng tải Kịch bản nguồn nước trên cổng thông tin điện tử của địa phương theo quy định tại khoản 6 Điều 41 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.