Sign In

Nậm Pồ: Hơn 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

16:26 25/04/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Nhờ đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay 98,82% người dân huyện vùng cao Nậm Pồ (Điện Biên) đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nậm Pồ là huyện vùng cao có địa hình đồi núi hiểm trở, độ cao dao động từ 200 đến 1.800m. Địa bàn huyện có nhiều suối, thung lũng và bãi bồi, nhưng phân bố không đồng đều, diện tích hẹp, khó giữ nước. Vào mùa khô, tình trạng khan hiếm nước thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, thời gian qua, huyện Nậm Pồ đã huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung. Huyện ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đến từng bản, cụm dân cư.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên kiểm tra công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Trần Hương.

Giai đoạn 2021–2025, huyện đã triển khai xây dựng 34 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tổng mức đầu tư hơn 103 tỷ đồng. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã nâng số công trình cấp nước trong huyện lên 108 công trình, bảo đảm cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 98,82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.

Để bảo đảm sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư xây dựng, hàng năm huyện đều dành kinh phí duy tu, sửa chữa hư hỏng nhỏ tại các công trình. Huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất, nhưng phải hiệu quả lâu dài.

Hiện tại, toàn huyện có 15/15 xã đã thành lập tổ, hội dùng nước với tổng số 218 thành viên trực tiếp quản lý, vận hành các công trình nước đã được đầu tư xây dựng tại địa bàn. Các tổ, hội là những người dân sống ngay tại khu vực có công trình, được đào tạo kỹ năng cơ bản về bảo trì, vận hành, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong cộng đồng cùng gìn giữ, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Học sinh các trường trên địa bàn huyện được sử dụng nguồn nước sạch. Ảnh: Trần Hương.

Đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng các công trình nước trên địa bàn, ông Hạng Nhè Ly, cho biết: Đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ và có ý thức giữ gìn. Nhiều nơi, người dân chủ động sửa chữa, bảo dưỡng công trình nhỏ mà không cần chờ nguồn hỗ trợ. Chính tinh thần tự quản, tự giác của người dân đã góp phần giúp các công trình phát huy tối đa hiệu quả, sử dụng bền vững theo đúng mục tiêu đề ra.

Việc đầu tư cấp nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần nâng cao năng suất sản xuất, cải thiện chất lượng đời sống của người dân vùng cao. Đồng thời, các công trình này cũng giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó và cần nhiều nỗ lực để đạt được.

Với định hướng rõ ràng, cách làm bài bản và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Nậm Pồ đang từng bước khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên, vươn lên trong hành trình phát triển bền vững. Nước sạch không chỉ là thành quả của sự đầu tư đúng hướng mà còn là minh chứng cho quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại vùng cao, biên giới.

 

 

 

nongnghiepmoitruong.vn

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

TP. Hồ Chí Minh: phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của 65 tuyến sông, kênh, rạch

TP. Hồ Chí Minh: phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của 65 tuyến sông, kênh, rạch

Ngày 24/4, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-UB phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của 65 tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.

Bình Dương: Triển khai Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan

Sáng 24- 4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước cho cán bộ quản lý, chuyên viên kỹ thuật và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum: Chủ động phòng, chống hạn hán cho cây trồng

Trước tình hình thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài, các địa phương và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra cho các diện tích cây trồng.