Ngày 15/11, tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật cho các Nhà máy Thủy điện, Nhiệt điện.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (EVN), Lãnh đạo Văn phòng, các ban thuộc EVNGENCO2; Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng phụ trách công tác an toàn môi trường, chuyên viên phụ trách công tác môi trường, tài nguyên nước của các đơn vị thành viên thuộc EVNGENCO2.
Tham dự và báo cáo viên tại Hội nghị về phía Cục Quản lý tài nguyên nước có bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Lưu vực sông Nam Trung Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Phát điện 2 cho biết, Tổng Công ty Phát điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện đang quản lý 16 Nhà máy điện (trong đó có 09 Nhà máy Thủy điện, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ; 06 Nhà máy Nhiệt điện và 01 Nhà máy điện mặt trời).
“Hội nghị này được tổ chức nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và nhận thức về tầm quan trọng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong Tổng công ty Phát điện 2; đồng thời, cập nhật các quy định pháp luật mới về tài nguyên nước, qua đó giúp các đơn vị chấp hành đúng và đầy đủ quy định pháp luật, quy định tại giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, không để xảy ra sự cố, vi phạm quy định pháp luật về tài nguyên nước” - Ông Ngô Việt Hưng cho biết.
Ông Ngô Việt Hưng - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Phát điện 2 phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Ngô Việt Hưng cũng cho biết, công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước ngày càng được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ 01/01/2022, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và có hiệu lực từ 01/7/2024; cùng với các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt và hướng đến phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Và để thực hiện thành công mục tiêu “Không để xảy ra sự cố về môi trường, không vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên nước; sử dụng tài nguyên nước hài hoà, hiệu quả”, tại Hội nghị, ông Ngô Việt Hưng đề nghị các đơn vị trong Tổng công ty Phát điện 2 cần chủ động hơn nữa trong việc thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định văn bản pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, của EVN và của EVNGENCO2; sản xuất an toàn, hiệu quả. “Điều đó sẽ góp phần rất lớn cho sự thành công và phát triển bền vững của các Đơn vị cũng như của Tổng công ty Phát điện 2 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam” - Ông Ngô Việt Hưng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Lưu vực sông Nam Trung Bộ giới thiệu chuyên đề chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến Thủy điện, Nhiệt điện
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Lưu vực sông Nam Trung Bộ giới thiệu chuyên đề chính sách pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, nhiệt điện được quy định tại Luật tài nguyên nước 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, ngày 16/5/2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, ngày 16/5/2024 của Chính phủ Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT, ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản.
Trong đó, tập trung vào những nội dung như: Quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Quy định về quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Quy định dòng chảy tối thiểu sau đập, hồ chứa; Quy định hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hồ chứa); Điều hòa phân phối tài nguyên nước; Quy trình vận hành hồ, liên hồ chứa; Dịch vụ tài nguyên nước; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước, chủ hồ chứa, nhiệt điện;…
Xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước
Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật TNN và các quy định sau đây: (i) Đầu tư, xây dựng công trình khai thác, đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước; (ii) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải chịu sự quản lý, giám sát, điều hoà, phân phối của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; (iii) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước; (iv) Thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật tài nguyên nước 2023.
Về quy định việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa (Điều 45, 50 Luật TNN), bà Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho biết, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Đảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước.
Cùng với đó, việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu: Phải bảo đảm yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trên sông, suối (hồ chứa, đập); Thiết kế và bố trí tổng thể công trình đầu mối phải có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, xả nước gia tăng về hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
“Việc khai thác tài nguyên nước cho thủy điện phải bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, trừ trường hợp khai thác nước với quy mô nhỏ; tham gia cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa” - bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết.
Về lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan và công khai thông tin (Điều 3 và Điều 4, Nghị định 54/2024/NĐ-CP), bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, đối tượng phải thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng xây dựng trên sông, suối, kênh, mương, rạch; Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch khác với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan; Công trình khai thác sử dụng nước mặt từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên cho: sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất (bao gồm cả khai thác nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt); thi công xây dựng công trình; công trình khai thác nước mặt khác từ 10m3/s cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Công trình khai thác nước dưới đất có quy mô khai thác nước từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, đối với thủy điện, nhiệt điện, những trường hợp không phải kê khai, cấp phép, đăng ký khai thác tài nguyên nước (Điều 7, Nghị định 54/2024/NĐ-CP) được quy định như sau: (i) Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW; (ii) Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m³/ngày đêm; (iii) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m³/ngày đêm (bao gồm cả làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt).
Bên cạnh đó, đối với thủy điện, nhiệt điện, đối tượng khai thác tài nguyên nước không thuộc trường hợp phải kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bao gồm: Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW; Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác để sử dụng nước cho mục đích làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), thi công xây dựng công trình có quy mô không vượt quá 100 m3 /ngày đêm; Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô không vượt quá 10.000 m3 /ngày đêm.
Tuy nhiên, các trường hợp khai thác nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện thì phải thực hiện cấp phép theo quy định. Trong đó, thời điểm cấp phép là trước khi xây dựng công trình khai thác nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, tại điều 6, Nghị định 54/2024/NĐ-CP cũng đã bổ sung quy định mới về nội dung giấy phép khai thác tài nguyên nước. Trong đó nêu rõ, trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, tuân thủ thực hiện cắt giảm lượng nước khai thác theo hạn ngạch khai thác tài nguyên nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; Chế độ, phương thức khai thác nước (số giờ, ngày khai thác trong năm tương ứng với từng cấp quy mô, công suất, lưu lượng khai thác đề nghị cấp phép).
Quang cảnh Hội nghị
Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép phải nộp trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít nhất 45 ngày
Đối với quy định về gia hạn giấy phép, bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, giấy phép vẫn còn hiệu lực và hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép phải nộp trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít nhất 45 ngày (khoản 3, Điều 54 Luật TNN). Trường hợp giấy phép khai thác TNN hết hiệu lực hoặc giấy phép vẫn còn hiệu lực nhưng không được nộp đúng thời gian quy định thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới. Trường hợp hồ sơ nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.
Về trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác tài nguyên nước: Điều chỉnh công suất lắp máy hoặc lưu lượng khai thác của công trình thủy điện nhưng không vượt quá 25% theo quy định trong giấy phép đã được cấp. Trường hợp không được điều chỉnh giấy phép khai thác tài nguyên nước (phải cấp mới) khi công suất lắp máy hoặc lưu lượng khai thác vượt quá 25% theo quy định trong giấy phép đã được cấp.
Đối với quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bà Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho biết, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Trong đó, lưu ý tiền cấp quyền được thông báo, nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có quyết định phê duyệt. Đối với công trình đã được phê duyệt tiền cấp quyền tính đến thời điểm Nghị định 54/2024/NĐ-CP có hiệu lực nhưng vẫn chưa đi vào vận hành thì cơ quan thẩm định có văn bản gửi Cục thuế địa phương về việc chỉ ban hành thông báo nộp tiền khi nhận được quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đối với hồ chứa mà phạm vi công trình nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được phân chia cho từng tỉnh trên cơ sở tỷ lệ (%) số tiền nộp thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên;…
Đối với quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước (Điều 51 Luật TNN; Điều 85-94, Nghị định 53/2024/NĐ-CP) quy định như sau: Đối tượng giám sát là các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển thuộc trường hợp phải đăng ký, phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc quan trắc và lắp đặt thiết bị đo đạc được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường. . Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước có trách nhiệm cập nhật, kết nối, truyền dữ liệu quan trắc vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để phục vụ giám sát việc khai thác tài nguyên nước;… Trong đó lưu ý, trường hợp dữ liệu bị gián đoạn truyền dữ liệu phải có biện pháp thực hiện quan trắc, lưu trữ số liệu theo chế độ giám sát định kỳ vào hệ thống. Trường hợp truyền dữ liệu bị gián đoạn liên tục quá 12 giờ, phải có thông báo ngay bằng văn bản về nguyên nhân, các biện pháp khắc phục về sự cố gián đoạn này với cơ quan theo thẩm quyền.
Tại Hội nghị, trên cơ sở các nội dung được giới thiệu, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm đảm bảo công tác thực thi pháp luật về tài nguyên nước được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.