Ngày 29/10, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Thực tiễn và thách thức trong vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng qua cơn bão số 3”. TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn và đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn đập và phòng chống thiên tai.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đồng bằng sông Hồng vừa trải qua cơn bão số 3 (Yagi) với tổn thất lớn về người và tài sản, thiệt hại trên 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, lũ quét, sạt lở đất và đe dọa an toàn hồ chứa.
Sau cơn bão số 3(Yagi) xảy ra, ngày 17/9/2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Trong đó có nội dung "rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ nước trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phát biểu
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) tổ chức Hội thảo này. Hội thảo nhằm tập hợp những ý kiến chia sẻ của những người trực tiếp đối diện và trải nghiệm sự kiện hiểm nghèo vừa qua; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận đánh giá sự kiện từ góc độ phân tích về thể chế, kỹ thuật, … để từ đó có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024.
Tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo về việc công tác vận hành các hồ chứa thủy điện thời điểm mưa bão số 3, cụ thể là chia sẻ công tác vận hành thủy điện Thác Bà; các chuyên gia đã báo cáo, đánh giá nhanh tình trạng ngập lụt các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ do cơn bão số 3 Yagi thông qua việc sử dụng bản đồ viễn thám; chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt; phân tích một số đặc điểm liên quan đến vận hành hệ thống hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng;…
Công nghệ Nhật Bản hỗ trợ thuỷ điện vận hành an toàn
Cũng tại Hội thảo, TS. Hà Ngọc Tuấn, đại diện Liên danh KIV – WeatherPlus đã trình bày hiệu quả của giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT vào điều tiết lũ trong cơn bão số 3 (Yagi)” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan chức năng.
TS. Hà Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech Vietnam cho biết: “Trong bối cảnh cơn bão số 3 - Yagi đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, con người và tài sản, hệ thống HNT với công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ vận hành hiệu quả an toàn ở 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Kỳ Cùng, một trong số những hệ thống sông chịu tác động lớn từ mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra”.
Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT có khả năng dự báo mưa và lưu lượng về hồ với độ chính xác khả dụng (70 - 80%) hỗ trợ vận hành an toàn trong trận bão Yagi cho các hồ chứa Khánh Khê, Bản Nhùng và Thác Xăng trên hệ thống sông Kỳ Cùng. Ba hồ chứa thủy điện này đã thực hiện công tác chuẩn bị phòng lũ tốt trước cơn bão nhờ có thông tin dự báo. Các hồ chứa đã vận hành tuyệt đối an toàn, đúng quy trình trong cơn lũ lịch sử với đỉnh lưu lượng lớn nhất chưa từng xảy ra ở các hồ chứa này. Dựa vào thông tin dự báo sớm, các nhà máy thủy điện đều vận hành phát điện hạ mực nước triệt để xuống thấp để tăng thu nhập và mở ra dung tích trống nhằm điều tiết lũ an toàn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Liên danh KIV – WeatherPlus, các nhà máy thủy điện nên áp dụng công nghệ Nhật Bản hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT để nâng cao mức an toàn vận hành lũ và đồng thời tăng sản lượng nhờ vận hành đón lũ giảm xả thừa trong các cơn lũ…
Thực tế qua cơn bão số 3 tháng 9/2024, dù quy mô lũ lớn lịch sử nhưng ứng dụng đã phát huy hiệu quả tại thủy điện Bản Nhùng, Thác Xăng, Lạng Sơn, vận hành đúng quy trình. Sau cơn bão lịch sử này, trong khi rất nhiều nhà máy thiệt hại nhưng các thủy điện ứng dụng giải pháp HNT đều an toàn do dự báo được nên nhà máy chủ động hạ mực nước thấp nhất trước lũ, thông qua chạy máy, mở dung tích trống chờ lũ, chứa 1 phần lượng nước về hạ du khi lũ đến.
Nhờ những thông tin kịp thời, công tác chuẩn bị trước bão lũ được các thủy điện chuẩn bị kỹ lưỡng từ lương thực, nhiên liệu đến nguồn lực con người tuyệt đối đúng quy trình, không gây ra lũ nhân tạo, tăng nguy cơ cho hạ du. Như vậy, giải pháp đã giúp cảnh báo cho chủ đầu tư và dự báo lũ rất lớn, cảnh báo cho người dân vùng ngập lụt.
Vận hành hồ chứa đảm bảo an ninh nguồn nước
Chia sẻ nội dung liên quan đến vận hành hệ thống hồ chứa và đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc vận hành hệ thống các hồ chứa đa mục tiêu trên hệ thống sông Hồng là bài toán rất phức tạp bởi phụ thuộc vào nhiều số liệu đầu vào, đồng thời lại chịu sự chi phối bởi nhiều điều kiện ràng buộc cũng như là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật là mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp đến công tác vận hành an toàn các công trình thủy điện và vai trò chống lũ cho khu vực hạ lưu hồ chứa.
Kiến nghị về giải pháp , PGS.TS Nguyễn Mai Đăng đề xuất sửa đổi quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo vận hành linh hoạt hơn, góp phần phòng lũ hạ du hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Mai Đăng kiến nghị tập trung nghiên cứu phân cấp lại các cấp báo động lũ, quy định lại mực nước trước lũ (đón lũ) linh hoạt hơn… góp phần vận hành hệ thống an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực và cho quốc gia.