Ô nhiễm, suy thoái môi trường sống, biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt đang khiến hơn 60% lượng nước mặt của châu Âu ở tình trạng xấu.
Nguồn nước mặt là nguồn nước tồn tại trên bề mặt Trái Đất như ao, hồ, sông, suối....
Trong báo cáo được công bố ngày 15/10, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã phân tích 120.000 vùng nước mặt và 3,8 triệu km2 khu vực nước ngầm tại 19 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy. Kết quả cho thấy chỉ có 37% các vùng nước mặt của châu Âu đạt tiêu chuẩn về chất lượng sinh thái, tức ở mức "tốt" hoặc "cao". Đây là con số đáng lo ngại cho thấy tình trạng suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái sông, hồ và biển. Nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí, như việc đốt than và khí thải từ ô tô, cũng như các hoạt động nông nghiệp, nơi chất thải đổ ra làm ô nhiễm đất.
Ảnh minh họa: CNN
Dữ liệu do các quốc gia thành viên EU báo cáo trong giai đoạn 2015-2021 cũng cho thấy chỉ có 29% các vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn về chất lượng hóa học ở mức "tốt", nghĩa là không bị ô nhiễm quá mức từ các chất dinh dưỡng hóa học và các chất độc hại như "hóa chất vĩnh cửu" PFAS và vi nhựa.
Nguồn nước ngầm của châu Âu - nguồn cung cấp nước chính cho lục địa này - có kết quả khả quan hơn, với 77% vùng nước ngầm đạt tiêu chuẩn hóa học ở mức "tốt".
EEA cho biết các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt, và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt đang gây sức ép lên các hồ, sông, vùng nước ven biển và nước ngầm của châu Âu ở mức "chưa từng có". Cơ quan này khuyến cáo ngành nông nghiệp châu Âu cần tăng cường sử dụng các phương thức canh tác theo hướng hữu cơ và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái bền vững, kết hợp với sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân. Các chính phủ cũng được khuyến nghị ưu tiên giảm lượng nước tiêu thụ và khôi phục hệ sinh thái, đặc biệt cần giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu từ nay đến năm 2030.