Sign In

Nghệ An: Tập huấn Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và công tác quản lý khí tượng thủy văn

15:31 14/11/2024

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Sáng 14/11, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về Luật Tài nguyên nước năm 2023 và công tác quản lý khí tượng thủy văn trong phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Dự Hội nghị về phía Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu; lãnh đạo, báo cáo viên các phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước.
 

Tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện các Sở, ngành, UBND các huyện, xã của tỉnh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ; cùng đại diện các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Đại diện Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An, phóng viên Báo Nghệ An.


 Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An Lê Quang Huy phát biểu tại Hội nghị
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết, được sự thống nhất của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023 và công tác quản lý khí tượng thủy văn trong phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. “Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức và năng lực cho các địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu” - ông Lê Quang Huy  nhấn mạnh.
 

Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, có nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, trong đó tài nguyên nước mặt có trữ lượng dồi dào, khoảng trên 20 tỷ m3, tổng trữ lượng khai thác tiềm năng các tầng chứa nước dưới đất của tỉnh khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật và cũng chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, là một trong những nguồn nước chính cung cấp cho nước sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, cảnh báo dự báo về khí tượng thủy văn đang ngày được quan tâm, công tác quản lý nhà nước thời gian qua đã có nhiều bước chuyển biến tích cực; thời gian qua các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng kịp xu thế trong giai đoạn hiện nay.


Các đại biểu tham dự Hội nghị
 

Theo ông Lê Quang Huy, trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng nghiêm trọng, việc nâng cao hiểu biết và năng lực quản lý tài nguyên nước là nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh Nghệ An đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các hiện tượng thiên tai, vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước và tăng cường công tác quản lý khí tượng thủy văn là rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai và đảm bảo phát triển bền vững. Hội nghị này sẽ là cơ hội để các đại biểu cùng nhau thảo luận, cập nhật những quy định mới nhất, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý tài nguyên nước và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng cao khả năng triển khai các chính sách và quy định của pháp luật về tài nguyên nước, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu tại Hội nghị
 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ ban hành 02 Nghị định gồm Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/52024 quy  định  chi  tiết  thi hành  một  số  điều  của  Luật  Tài nguyên nước và Nghị định số 53/2024/NĐ- CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ  tài  nguyên  nước  và  tiền  cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Bộ cũng đã ban hành 03 Thông tư hướng thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với hiệu thi hành Luật Tài nguyên nước.
 

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức. Theo đó, có bốn nhóm chính sách, gồm (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) Xã hội hóa ngành nước; (3) Kinh tế tài nguyên nước và (4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể hiện xuyên suốt trong Luật.
 

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật. Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 02 Nghị định, 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu cũng mong muốn các đại biểu đóng góp những ý kiến trao đổi về nội dung, phạm vi trách nhiệm được giao để sau hội nghị, các chính sách pháp luật về tài nguyên nước được triển khai hiệu quả, thông suốt trong thực tế.


Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý Quản lý tài nguyên nước giới thiệu những nội dung quan trọng của Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. 
 

Cùng với đó, các báo cáo viên của phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước cũng phổ biến trách nghiệm của các cấp, ngành ở địa phương; trách nhiệm của các tổ chức khai thác, sử dụng nước trong việc chấp hành các quy định của Giấy phép khai thác và quy định pháp luật về tài nguyên nước.


Ông Nguyễn Quốc Vỹ, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Bắc Trung Bộ giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP và các Thông tư
 

Trong đó, cấp tỉnh có những nhiệm vụ, trách nhiệm chủ yếu như sau: Ban hành các văn bản quản lý theo thẩm quyền; chỉ đạo cơ quan có liên quan sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nội dung về bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước thuộc nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước;  cập nhật phương án khai thác, sử dụng vào quy hoạch tỉnh theo quy định Luật quy hoạch và Luật TNN; công bố chức năng nguồn nước nội tỉnh; Ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, lấn chiếm; Ban hành danh mục hồ chứa phải có quy chế phối hợp; chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước do Bộ TNMT công bố ; Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; đăng ký khai thác nước mặt; lập hành lang, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước ; Chỉ đạo Sở TNMT, cơ quan liên quan cung cấp, cập nhật dữ liệu điều tra cơ bản vào CSDL TNN quốc gia; công bố sức chịu tải nguồn nước nội tỉnh; cấp phép khai thác TNN; Thanh tra TNN, kiểm tra TNN;…
 

Cấp huyện có nhiệm vụ: tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất (trừ khai thác hộ gia đình); quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước; các nhiệm vụ khác theo quy định của khoản 2 Điều 80 Luật Tài nguyên nước: Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo thẩm quyền;…
 

Cấp xã có nhiệm vụ tiếp nhận tờ khai đăng ký khai thác nước dưới đất hộ gia đình; Tiếp nhận, quản lý mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước; các nhiệm vụ khác quy định của khoản 3 Điều 80 Luật Tài nguyên nước: Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này; phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn; tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt; Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên.


Quang cảnh Hội nghị
 

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các ý kiến, vướng mắc của các đại biểu trong việc áp dụng Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong thực tế tại đơn vị, địa phương.

 

DWRM

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Đại hội Chi bộ Trung tâm Hỗ trợ ra quyết định và Phát triển tài nguyên nước nhiệm kỳ 2025 – 2027

Thực hiện Kế hoạch số 750-KH/ĐU ngày 03/4/2025 của Đảng ủy Cục Quản lý tài nguyên nước về tổ chức Đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Cục Quản lý tài nguyên nước tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, ngày 26/4, Chi bộ Trung tâm Hỗ trợ ra quyết định và Phát triển tài nguyên nước đã tổ chức Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Đại hội Chi bộ Trung tâm Thông tin, Kinh tế và Giám sát tài nguyên nước nhiệm kỳ 2025 - 2027

Thực hiện Kế hoạch số 750-KH/ĐU ngày 03/4/2025 của Đảng ủy Cục Quản lý tài nguyên nước về tổ chức Đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Cục Quản lý tài nguyên nước tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, ngày 26/4, Chi bộ Trung tâm Thông tin, Kinh tế và Giám sát tài nguyên nước đã tổ chức Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Tham vấn thí điểm xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Chiều ngày 25/4, tại Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Liên Minh Châu Âu, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp tham vấn liên quan đến thí điểm xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ông Hồ Quang Bửu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đến dự và phát biểu chủ trì cuộc họp.