Với mong muốn quản trị, quản lý sử dụng nước hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD, tổ chức phi chính phủ, trụ sở ở Thừa Thiên – Huế) vừa tổ chức “Hội thảo về An ninh nước trong khuôn khổ Luật Tài nguyên nước 2023 sửa đổi” tại TP. Huế.
Hội thảo nằm trong dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản - mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”, được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt và giao CSRD thực hiện, do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ thông qua tổ chức OXFAM Việt Nam; với mục tiêu nâng cao năng lực của cộng đồng trong quản trị nước và thủy sản, phát triển sinh kế của địa phương với sự tham gia của phụ nữ, hình thành hợp tác bền vững giữa các bên trong việc hỗ trợ các mô hình sinh kế tại địa phương.
Tại Hội thảo, TS. Đào Trọng Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho rằng, Luật Tài nguyên nước (TNN) sửa đổi năm 2023 đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng TNN; TNN được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, nêu bật một số thông tin về tình hình quản trị TNN 2023 về lưu vực sông A Sáp với những thuận lợi, khó khăn; những khuyến nghị đề xuất, như tăng cường tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh sự tham gia của người dân địa phương, trong đó có sự chia sẻ, hỗ trợ chính sách để khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN trong phát triển kinh tế- xã hội có hiệu quả.
“Hội thảo về An ninh nước trong khuôn khổ Luật Tài nguyên nước 2023 sửa đổi” do CSRD tổ chức
Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức liên quan như Sở TN&MT, Chi cục Thuỷ sản tỉnh, huyện A Lưới đã thông tin các quy hoạch về TNN ở địa phương; lập, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh, danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; quy trình quản lý cấp phép nuôi trồng thuỷ sản... cũng như kế hoạch hành động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và huyện A Lưới.
Tại Hội thảo, trên cơ sở các quy định của Luật TNN sửa đổi năm 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các chuyên gia đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc của đại biểu trong quá trình triển khai các Luật TNN 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn luật tại địa phương. Đặc biệt đề xuất các mô hình khai thác sử dụng nước bền vững lưu vực sông A Sáp trong các lĩnh vực, nhất là người dân huyện A Lưới đang hưởng lợi dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản - mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”.
Huyện miền núi A Lưới có 2 con sông chảy sang Lào là A Sáp và A Lin. Trong đó tài nguyên thủy sản ở lưu vực sông A Sáp đa dạng, cộng đồng ven sông này đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến quản lý và sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo đời sống. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở vùng thượng lưu không chỉ đem lại nguồn dinh dưỡng và thu nhập bền vững cho người dân ở đây mà còn góp phần vào bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học cho toàn bộ lưu vực.