Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép số 382/GP-BTNMT cho phép Công ty Cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang khai thác nước mặt.
Nội dung cụ thể như sau:
Tên công trình: thủy điện Sông Giang 1.
Mục đích khai thác nước: phát điện.
Nguồn nước khai thác: sông Giang, thuộc lưu vực sông Cái Nha Trang.
Vị trí các hạng mục chính của công trình khai thác nước: Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
Giấy phép có thời hạn đến hết ngày 13 tháng 10 năm 2026.
Bộ TN&MT yêu cầu Công ty Cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang chỉ được phép khai thác nước theo quy định của Giấy phép nếu bảo đảm các yêu cầu như sau:
Lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác nước theo quy định. Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước ở Trung ương và địa phương; cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin, dữ liệu về hoạt động khai thác tài nguyên nước của công trình vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chỉ được phép khai thác nước khi hồ chứa nước của công trình thủy điện Sông Giang 1 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tích nước và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa theo quy định. Thực hiện đúng các quy định của Quy trình vận hành hồ chứa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và Quy chế phối hợp vận hành (nếu có); tuân thủ theo lệnh vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác. Bảo đảm duy trì lưu lượng xả thường xuyên, liên tục sau đập Sông Giang 1 về hạ du sông Giang. Khi có yêu cầu cấp nước gia tăng ở hạ du của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, công trình thủy điện Sông Giang 1 phải xả nước về hạ du theo yêu cầu.
Phối hợp với các công trình hồ chứa phía hạ lưu bảo đảm nguồn nước cấp cho các nhu cầu sử dụng nước của nhân dân địa phương phụ thuộc vào nguồn nước sông Giang ở hạ du. Trường hợp có dự báo hoặc xảy ra hạn hán, thiếu nước phải tuân thủ việc điều chỉnh chế độ vận hành công trình, điều tiết nước hồ chứa và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 8. Trong thời gian tích nước hoặc khi xảy ra sự cố không thể vận hành, phải có giải pháp bảo đảm nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nhu cầu khai thác, sử dụng nước khác phía hạ du công trình.
Trong quá trình vận hành phải bảo đảm an toàn công trình, điều tiết 3 giảm lũ, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du theo quy định, bảo đảm không gây lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, thiếu nước ở hạ du, không gây sạt lở lòng hồ chứa công trình thủy điện Sông Giang 1, không gây xói lở lòng, bờ sông Giang; cung cấp, trao đổi, cập nhật thông tin, số liệu, kế hoạch vận hành của công trình thủy điện Sông Giang 1 theo quy định.
Bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành nhà máy, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước của công trình và các hoạt động khác có khai thác, sử dụng mặt nước hồ chứa; thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định. Lưu trữ các thông tin, số liệu về mực nước hồ, lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, lưu lượng phát điện qua nhà máy và lưu lượng xả qua tràn theo quy định, trường hợp dữ liệu bị gián đoạn do việc bảo trì, kiểm định, hiệu chuẩn, thay thế linh phụ kiện, sửa chữa, thay thế các thiết bị đo phải có biện pháp thực hiện quan trắc, lưu trữ số liệu theo chế độ giám sát định kỳ và cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu theo quy định sau khi sự cố được khắc phục.
Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, mưa lũ lớn, lũ ống, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất, các loại hình thiên tai và xây dựng phương án để bảo đảm vận hành công trình an toàn, đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân. Trường hợp do vận hành công trình thủy điện Sông Giang 1 gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới nguồn nước, môi trường và các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác hoặc xảy ra sự cố công trình thì phải có biện pháp khắc phục và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương để có biện pháp xử lý.
Thực hiện việc thông báo, cảnh báo và các biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan ở khu vực hạ du đập và nhà máy trước khi có lũ đến tuyến đập, trước khi vận hành xả lũ theo quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hồ chứa theo quy định. Thực hiện đúng các cam kết như đã nêu trong Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép và những ảnh hưởng bất lợi của công trình đến xã hội và môi trường.
Nếu có sự thay đổi nội dung của Giấy phép phải thực hiện các thủ tục đề nghị cấp phép hoặc điều chỉnh hoặc cấp lại thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép và hồ sơ điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) gửi đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày công trình bắt đầu vận hành, phải nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định; nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác trong khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Sau khi đi vào vận hành, định kỳ hằng năm (trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo), phải báo cáo tình hình khai thác tài nguyên nước của công trình thủy điện Sông Giang 1 và gửi về Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa và cập nhật báo cáo vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.