Sign In

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

16:53 10/05/2025

Chọn cỡ chữ A a   chia sẻ facebook   chia sẻ zalo   chia sẻ zalo    

Ngày 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.

Đến dự và điều hành phiên họp toàn thể có các đồng chí: Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Đồng chí Phùng Đức Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan Quốc hội, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI)…

Chương trình hội nghị bao gồm 2 phần chính. Phiên toàn thể vào buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều. Tại phiên toàn thể, đại biểu sẽ được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này; cùng các tham luận từ doanh nghiệp, địa phương và đơn vị ngành dọc.

Phiên chuyên đề buổi chiều chia thành 4 nhóm trọng tâm: (1) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; (2) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; (3) Môi trường - Tài nguyên nước; (4) Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.

Bên lề Hội nghị, Bộ NN&MT cũng tổ chức hoạt động triển lãm thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu trong nông nghiệp và môi trường để các đại biểu tham quan, qua đó tăng cường kết nối, lan tỏa tri thức, thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Ngoài ra, sự kiện còn là dịp để ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW trên toàn ngành.

Với tinh thần hành động mạnh mẽ, Hội nghị kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành trong một thời điểm rất đặc biệt - khi chuyển đổi số không còn là khái niệm mới, mà đã trở thành xu thế tất yếu. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”.

Đối với lĩnh vực NN&MT, Nghị quyết số 57-NQ/TW càng đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, như: biến đổi khí hậu gay gắt hơn, tài nguyên suy giảm nhanh hơn, áp lực tăng trưởng xanh - phát thải thấp cao hơn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống - vốn dựa vào lao động thủ công, đầu vào vật tư lớn - không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. “Muốn thay đổi cục diện, muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, muốn bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ sau - chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển” - Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết, trong thời gian qua, ngành NN&MT đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến ứng dụng công nghệ - từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Đây là những chuyển biến tích cực của ngành, nhưng để xác định “đột phá, phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

Tại Hội nghị, nhằm quán triệt, thống nhất tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và cụ thể hóa trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết mà Bộ NN&MT đã ban hành tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, làm rõ và thảo luận về những giải pháp ưu tiên, đột phá của ngành, bao gồm:

Thứ nhất, khắc phục điểm nghẽn về thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay những quy định để tháo gỡ, cắt giảm triệt để các điều kiện, thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sản xuất, thương mại các sản phẩm. Không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, sắp xếp hệ thống tổ chức, trong đó có các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khoa học của Bộ, của ngành, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, hướng đến tự chủ toàn diện trong nghiên cứu khoa học (tự chủ bộ máy, tự chủ nhiệm vụ và tự chủ tài chính) để các đơn vị nghiên cứu thực sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh và lan tỏa tri thức đến sản xuất và thị trường.

Thứ ba, thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ KHCN hằng năm, trong đó nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp KHCN, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm.

Xác định các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như công nghệ sinh học, công nghệ gen tạo đột phá về nguồn giống sản xuất nông nghiệp, tận dụng các công nghệ, nguồn giống tốt, quý hiếm của thế giới, của nước ta để cải tiến, phục vụ sản xuất.

Thứ tư, quan trọng nhất đó là nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN, ĐMST và CĐS sẽ được rà soát toàn diện, bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 57-NQ/TW; trong đó, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia trong nước, chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt từ khối doanh nghiệp tư nhân để chung tay, đồng lòng cùng Bộ, ngành triển khai thắng lợi các Nghị quyết và Kế hoạch đã ban hành.

Thứ năm, chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành và Bộ; số hóa ngay từ khi xây dựng văn bản đến sản xuất thực tiễn, bảo đảm mọi hoạt động được số hóa, được truy xuất toàn diện.

Thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang quản lý số hóa để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, đây là cơ hội quý giá để Bắc Ninh và ngành NN&MT Bắc Ninh được tiếp cận những tâm huyết chuyên sâu từ các nhà khoa học, chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp, viện trường nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết thành các chương trình, đề án, mô hình triển khai hiệu quả tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

Theo ông Vương Quốc Tuấn, thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193-NQ/TW, Nghị quyết 71-NQ/TW, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.

Bắc Ninh khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

“Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao…” - ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đang từng bước chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang quản lý số hóa, minh bạch, công khai và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề truyền thống và các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới

Phát biểu tại Hội nghị, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định Nghị quyết 57-NQ/TW phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

Theo TS Phan Xuân Dũng, Nghị quyết 57-NQ/TW thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.

TS Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp và môi trường. Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.

TS Phan Xuân Dũng khẳng định, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại

Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57-NQ/TW.

Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, TS Dũng cho biết tổ chức đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần.

TS Dũng kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN-MT) Nguyễn Văn Long ký văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe trình bày các tham luận về: Một số kết quả khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Nghị quyết số 71/NQ-CP, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP (TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ KHCN); Công nghệ nhân bản động vật bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào Soma, định hướng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam (PGS.TS. Phạm Doãn Lân, Phó Viện trưởng, Viện Chăn nuôi); Công nghệ chỉnh sửa gen và ứng dụng trong chọn tạo giống cây trồng (TS. Đỗ Tiến Phát, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam); Hiện trạng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và môi trường (ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số);….

DWRM

Nội dung trong tệp đính kèm

Ý Kiến

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tham quan thành tựu khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tham quan thành tựu khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Sáng 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tổ chức triển lãm trưng bày và giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Ngành thủy điện chuyển mình nhờ khoa học công nghệ và chuyển đổi số

Các nhà máy thủy điện đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí, đảm bảo an toàn công trình, hướng tới mô hình doanh nghiệp số.

Giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước là công nghệ MET, không chỉ được đánh giá là đột phá mà còn được xem như “người gác cổng” nguồn nước.