Ngày 22/11, tại Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Giám đốc Sở TN&MT Phạm Mạnh Duyệt chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị về phía Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu; lãnh đạo, báo cáo viên các phòng chuyên môn thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo phòng chuyên môn các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; Đại diện 17 đơn vị khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 112 điểm cầu tại UBND xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang Phạm Mạnh Duyệt phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang Phạm Mạnh Duyệt cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có mật độ sông suối cao, khoảng 0,9 km/km2. Trên địa bàn tỉnh có 3 sông lớn chảy qua, gồm sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước có thể khai thác trên 03 lưu vực sông chính vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày.
Ngoài 3 sông lớn nêu trên, tỉnh Tuyên Quang còn có trên 500 suối nhỏ và trên 2.000 ao hồ, tạo thành mạng lưới thuỷ văn khá dày theo các lưu vực sông chính. Nguồn nước ngầm được khảo sát, đánh giá có 1 tầng chứa nước lỗ hổng và 10 tầng chứa nước khe nứt với trữ lượng trên 30 triệu m3 (trong đó trữ lượng động 4,4 triệu m3), đặc biệt trên địa bàn tỉnh có các mỏ nước khoáng ở Mỹ Lâm, Bình Ca.
Với nguồn tài nguyên nước phong phú đã mang lại cho tỉnh nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thủy điện đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số gây áp lực đối với tài nguyên nước.
Ông Phạm Mạnh Duyệt cũng cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước, ngăn chặn sự suy giảm tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm cạn kiệt để đảm bảo chức năng của nguồn nước.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Hồng - Thái Bình giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
Để tổ chức thi hành pháp luật về Tài nguyên nước năm 2023 đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 06/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Ông Nguyễn Quốc Vỹ, Phó Trưởng phòng Lưu vực sông Bắc Trung Bộ giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP và các Thông tư
Ông Phạm Mạnh Duyệt chia sẻ: “Đây là Hội nghị quan trọng, trang bị những kiến thức cơ bản để triển khai, thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, đề nghị các đồng chí đại biểu dự Hội nghị tiếp thu đầy đủ các nội dung triển khai, phổ biến tại Hội nghị; tuân thủ sự điều hành của Ban tổ chức Hội nghị; chủ động nghiên, thảo luận tại Hội nghị để hiểu sâu sắc hơn và áp dụng, thực hiện hiệu quả trong quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên nước tại địa phương”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết thêm, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN; số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu và Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang Đặng Minh Tơn chủ trì giải đáp câu hỏi
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, Luật Tài nguyên nước 2023 đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước “chuyển dần từ phương thức quản lý hành chính sang quản lý hành chính kết hợp công cụ kinh tế” trong bối cảnh tài nguyên nước Việt Nam được đánh giá đang đứng trước nhiều thách thức. Theo đó, việc quản lý tài nguyên nước thông qua 04 nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật, bao gồm: (1) Bảo đảm an ninh nguồn nước; (2) Xã hội hóa ngành nước; (3) Kinh tế tài nguyên nước; (4) Bảo vệ tài nguyeen nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Bốn nhóm chính sách này được thể hiện xuyên suốt nội dung Luật TNN và các văn bản hướng đẫn với các điểm mới được bổ sung tại 10 chương về: (i) Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; (ii). Điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; (iii). Quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; (iv). Điều hoà, phân phối tài nguyên nước; (v). Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (vi). Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; (vii). Công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; (viii). Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; (ix). Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước và (x) Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý Quản lý tài nguyên nước giới thiệu những nội dung quan trọng của Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Cùng với đó, Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp các ý kiến, vướng mắc của các đại biểu trong việc áp dụng Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong thực tế tại đơn vị, địa phương.