Lần đầu tiên vòng tuần hoàn nước trên thế giới rơi vào trạng thái mất cân bằng, làm dấy lên lo ngại xảy ra thảm họa nước tàn phá các nền kinh tế, quá trình sản xuất lương thực và cuộc sống của con người.
Thông tin trên do Ủy ban Kinh tế Toàn cầu về Nước - một tổ chức bao gồm các nhà lãnh đạo và chuyên gia thế giới - công bố ngày 16/10.
Theo đài truyền hình CNN, vòng tuần hoàn nước là một hệ thống phức tạp mô tả việc di chuyển của nước quanh Trái Đất. Nước bốc hơi từ mặt đất - bao gồm hồ, sông và thực vật - và bốc lên bầu khí quyển, tạo thành những dòng hơi nước lớn có thể di chuyển quãng đường dài, rồi nguội đi, ngưng tụ và cuối cùng rơi trở lại mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.
Sự gián đoạn trong quy trình tuần hoàn nước có thể gây nguy hại cho cuộc sống con người. Ước tính gần 3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Cây trồng khô héo dần, các thành phố đang bị nhấn chìm trong khi nguồn nước ngầm bên dưới khô cạn.
Các chuyên gia cảnh báo hậu quả từ thực trạng này sẽ càng thảm khốc hơn nếu không có hành động khẩn cấp. Báo cáo cho thấy cuộc khủng hoảng nước đe dọa hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu và có nguy cơ làm giảm trung bình 8% GDP của các quốc gia vào năm 2050, với mức thiệt hại cao hơn nhiều, lên tới 15% ở các nước thu nhập thấp.
Đất đai nứt nẻ do hạn hán tại Ouled Essi Masseoud, Maroc. Ảnh: AFP/TTXVN
Johan Rockström, đồng chủ tịch Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước kiêm tác giả báo cáo, cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta đang đẩy chu trình nước toàn cầu vào tình trạng mất cân bằng. Không còn có thể dựa vào lượng mưa là nguồn cung cấp nước ngọt nữa”.
Báo cáo cũng phân biệt giữa “nước xanh dương” - nước trong hồ, sông và tầng ngậm nước, và “nước xanh lục” – nước lưu trữ trong đất và thực vật.
Các tác giả chỉ ra mặc dù từ lâu, nguồn cung nước xanh lục bị phớt lờ nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng đối với vòng tuần hoàn nước vì lượng nước này vẫn quay trở lại bầu khí quyển khi thực vật giải phóng hơi nước, tạo ra khoảng một nửa tổng lượng mưa trên đất liền.
Trong báo cáo, các chuyên gia cũng cho rằng có mối liên hệ sâu sắc giữ sự gián đoạn trong quy trình tuần hoàn nước với biến đổi khí hậu.
Duy trì nguồn cung nước xanh lục ổn định là rất quan trọng để hỗ trợ thảm thực vật vốn có thể hấp thu carbon. Nhưng những thiệt hại mà con người gây ra, bao gồm việc phá hủy các vùng đất ngập nước và phá rừng, đang làm cạn kiệt các bể chứa carbon này và đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tiếp đó, sức nóng do biến đổi khí hậu gây ra đang làm khô bề mặt, giảm độ ẩm và tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Cuộc khủng hoảng càng trở nên cấp bách hơn bởi nhu cầu rất lớn về nước. Báo cáo tính toán rằng, trung bình mọi người cần tối thiểu khoảng 4.000 lít mỗi ngày để có một “cuộc sống ổn định”, vượt xa mức 50 đến 100 lít mà Liên hợp quốc cho là cần thiết cho các nhu cầu cơ bản, và nhiều hơn mức mà hầu hết các khu vực nhận được từ nguồn cung địa phương.
Theo ông Ric-hard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Anh), báo cáo ngày 16/10 vẽ ra một bức tranh khắc nghiệt về sự gián đoạn do con người gây ra đối với vòng tuần hoàn nước toàn cầu, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất duy trì sinh kế của con người.
Ông Allan cho rằng các hoạt động của con người đang làm thay đổi kết cấu đất đai và không khí phía trên, làm khí hậu nóng lên, tăng cường các hiện tượng cực đoan ẩm ướt và khô hạn.
Theo chuyên gia này, khủng hoảng nói trên chỉ có thể được giải quyết thông qua việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn và cắt giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh.
Các chính phủ trên thế giới đều phải công nhận vòng tuần hoàn nước là “lợi ích chung” và cùng giải quyết vấn đề này. Các quốc gia đều phụ thuộc vào nhau, không chỉ thông qua các hồ và sông trải dài biên giới mà còn vì nước trong khí quyển. Điều này có nghĩa là quyết định được đưa ra ở một quốc gia này có thể làm gián đoạn lượng mưa ở một quốc gia khác.
Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là đồng chủ tịch ủy ban công bố báo cáo, cho biết: “Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một thảm kịch nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế nước”. Bà nói thêm rằng việc đánh giá lại giá trị của nguồn nước một cách hợp lý là điều cần thiết để nhận ra sự khan hiếm của nước và nhiều lợi ích mà nó mang lại.