Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, khi còn là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Yên Bái, đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Xay Nha Bu Ly, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng hợp tác phát triển với tỉnh Yên Bái, qua đó góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bounkham Vorachit vui mừng khi những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai nước đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế, khu vực và điều kiện thực tế của mỗi nước, hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Do đó, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bounkham Vorachit cùng nhau thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua, đồng thời thảo luận các định hướng hợp tác trong giai đoạn tới, bảo đảm phù hợp với bối cảnh toàn cầu, khu vực và điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ ký Bản ghi nhớ sau cuộc họp song phương giữa hai bên và kỳ vọng việc ký Bản ghi nhớ sẽ góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ. Đồng thời, mở ra những cơ hội hợp tác mới với các sáng kiến và giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích chung của hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.
Với tinh thần hợp tác và quyết tâm cao, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bounkham Vorachit tin tưởng hai bên sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.
Thống nhất 7 nhóm nội dung hợp tác Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị hai Bên điểm lại một số nội dung hợp tác nổi bật trong thời gian qua và đề xuất hai Bộ trưởng phương hướng hợp tác của từng lĩnh vực.
Về tài nguyên nước, hai Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, hai Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về: quản lý tổng hợp, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học; chia sẻ số liệu vận hành các công trình khai thác sử dụng nước xuyên biên giới; phòng, chống và khắc phục thiên tai do nước gây ra, nhằm góp phần bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước trên các lưu vực sông xuyên biên giới.
Về hợp tác Ủy ban sông Mê Công, hai Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Lào đã phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế thực hiện các nhiệm vụ về tham vấn, triển khai các cam kết, phối hợp theo dõi tác động thực tế của các dự án thủy điện cũng như thảo luận tại các diễn đàn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, và các cơ chế hợp tác Mê Công liên quan khác.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự hợp tác tích cực của phía Lào trong quá trình tham vấn, thực hiện các kết luận tham vấn, chia sẻ thông tin, vận hành các công trình thủy điện trên dòng nhánh sông Mê Công.
Đây là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và hợp tác của Lào vì sự phát triển bền vững của lưu vực. Do đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các bạn Lào tiếp tục hợp tác tích cực với Việt Nam và các quốc gia lưu vực về lĩnh vực này, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, đặc biệt trong các tình huống thời tiết cực đoan và thiên tai khẩn cấp.
Bộ trưởng Bounkham Vorachit cho biết sẽ quan tâm và chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công Lào phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, tiếp tục củng cố đoàn kết và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác liên quan.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ ký Bản ghi nhớ sau cuộc họp song phương giữa hai bên và kỳ vọng việc ký Bản ghi nhớ sẽ góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ.
Về môi trường và đa dạng sinh học, trong thời gian tới, hai Bộ nghiên cứu các cơ chế hợp tác phù hợp với hai Bên nhằm thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực môi trường một cách thực chất và có hiệu quả hơn nữa. Phía Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế về quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa…
Đối với lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam và Lào là hai quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Hai Bộ trưởng đề xuất hai Bên tiếp tục hợp tác, tăng cường năng lực, xây dựng thể chế chính sách; hợp tác bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Công. Tăng cường hợp tác trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với các khu bảo tồn thiên nhiên tiếp giáp với đường biên giới hai nước, đặc biệt là bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, loài di cư. Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị phía Lào ủng hộ đề cử công nhận 3 khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam (Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai; Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An và Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định) là Vườn di sản ASEAN (AHP), dự kiến trình Nhóm công tác quốc gia về Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học ASEAN vào đầu năm 2025.
Về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bounkham Vorachit đề nghị cần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai Bộ, tiếp tục trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới phát thải ròng bằng “0”.
Về khí tượng thủy văn, hai Bộ trưởng sẽ chỉ đạo cơ quan Khí tượng Thủy văn hai nước triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ, tập trung trao đổi, chia sẻ dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn bề mặt, về radar thời tiết, dữ liệu định vị sét và dữ liệu trạm quan trắc bề mặt, nhằm hỗ trợ công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai cấp quốc gia và cấp tỉnh; chia sẻ thông tin dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo thiên tai trước, trong quá trình thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản…
Về quản lý đất đai, hai bên bước đầu trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong xây dựng chính sách từ năm 2019 trong quá trình tham vấn dự thảo sửa đổi Luật Đất đai của Quốc hội Lào.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin tới cuộc họp, Luật Đất đai năm 2024 của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào tháng 01/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, với nhiều chính sách mới, mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào kinh nghiệm xây dựng Luật Đất đai nói chung và các vấn đề quan tâm.
Bộ trưởng Bounkham Vorachit mong muốn phía Việt Nam cử các đoàn chuyên gia của Bộ sang làm việc với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào nhằm thảo luận kế hoạch chi tiết hơn cũng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai giữa hai nước.
Về công tác đào tạo, hiện nay Việt Nam có ba đơn vị đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường và thời gian qua, đã đào tạo được 02 lưu học sinh Lào theo diện học bổng Hiệp định giữa hai nước.
Toàn cảnh buổi Ký kết
Hai Bộ trưởng đề nghị cùng phối hợp xây dựng đề xuất các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn và cùng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thông qua Nghị định thư về hợp tác đào tạo giữa Chính phủ hai nước.
Kết thúc cuộc họp, hai Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn của hai Bộ chủ động làm việc để tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác đã có; đồng thời, nghiên cứu, thống nhất đề xuất các hoạt động hai Bên quan tâm trong giai đoạn tới nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ hai nước cũng như thực hiện hiệu quả Thỏa thuận chiến lược hợp tác giữa hai Chính phủ trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bounkham Vorachit đánh giá cao các kết quả đạt được của Cuộc họp này, qua đó tạo cơ sở để các đơn vị của hai Bộ triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới một cách thực chất và hiệu quả, phù hợp với bối cảnh quốc tế, khu vực, điều kiện cụ thể và ưu tiên của hai nước về phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng rằng, với tinh thần hợp tác và quyết tâm cao, hai bên sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả hai nước Việt Nam - Lào. Cuộc họp hôm nay không chỉ là dịp để hai bên cùng trao đổi, học hỏi mà còn là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước.