Bảo đảm nguồn nước cho an ninh lương thực là yếu tố tiên quyết trước khi hướng đến sự phát triển bền vững. Tại các quốc gia khan hiếm nước như Israel hay Bolivia, nhiều giải pháp sáng tạo trong khai thác và quản lý nguồn nước đã được áp dụng và chứng minh tính hiệu quả trên thực tế.
Từ thiếu nước đến… xuất khẩu nước
Là một trong những quốc gia Trung Đông có đến 60% diện tích là sa mạc, lại thường xuyên bị hạn hán nhưng Israel không chỉ vượt qua được tình trạng thiếu nước mà còn sản xuất được nhiều hơn 20% lượng nước cần thiết. Nỗ lực đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển công nghệ là những yếu tố quan trọng giúp Israel vươn lên dẫn đầu toàn cầu về quản lý nước.
Nguồn nước là điều kiện tiên quyết quan trọng để hỗ trợ cộng đồng người Do Thái trở về quê hương, nên ngay từ những ngày đầu lập quốc, Israel đã rất quan tâm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Để giải bài toán đó, họ nhắm đến hai mệnh đề: Tối ưu hóa kỹ thuật tưới tiêu và xây dựng hệ thống thủy lợi rộng khắp.
Thành công, vì thế, cũng đến sớm. Năm 1959, kỹ sư người Israel, Simcha Blass và con trai ông, Yeshayahu, đã phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt - phương pháp sử dụng một mạng lưới các ống, van và ống nhỏ giọt đưa gần 100% nước trực tiếp vào rễ cây - giúp cây hấp thụ nước tối ưu mà không bị thất thoát do bay hơi hoặc thấm sâu. Phương pháp này làm giảm lượng nước tiêu thụ để trồng trọt mà không ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, nay đã được cả thế giới học theo.
Sáng kiến bảo vệ nguồn nước của những người nông dân Bolivia.Năm 1964, Israel hoàn thành mạng lưới cung cấp nước xuyên quốc gia (HaMovil HaArtzi) để chuyển nước từ Biển Galilee (Hồ Kinneret) ở phía bắc tới miền trung, nơi đông dân, và miền nam khô cằn. Nhưng người Israel nhận ra: Không chỉ cần bảo tồn nước ngọt, chủ yếu đến từ Biển Galilee, mà họ còn phải tìm thêm các nguồn cung cấp nước bền vững khác. Do đó, Israel hướng đến công nghệ khử mặn nước biển.
Chính phủ Israel trợ cấp cho các dự án khử mặn, thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó, các công ty tư nhân đầu tư vào xây dựng và vận hành nhà máy, còn chính phủ mua lại nước với giá ưu đãi. Về mặt kỹ thuật, từ những năm 1970, Israel đã tập trung vào công nghệ thẩm thấu ngược (Reverse Osmosis - RO), với những giải pháp như cải tiến màng lọc RO bằng cách sử dụng màng polyamide thay vì cellulose acetate, giúp nâng cao hiệu suất và độ bền. Nhờ vậy, họ đã trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực khử mặn.
Hiện tại, Israel đã có sáu nhà máy khử mặn chính, được xây dựng dọc bờ biển Địa Trung Hải, cung cấp khoảng 90% lượng nước tiêu thụ cho toàn quốc. Trong đó, Sorek (hoạt động từ năm 2013) là nhà máy khử mặn với công nghệ thẩm thấu ngược lớn nhất thế giới, có công suất 624.000 m³/ngày, đáp ứng tới 20% nhu cầu nước sinh hoạt của cả đất nước Israel.
Điều đáng nói, những đổi mới sáng tạo của Israel trong lĩnh vực này vẫn liên tục được thúc đẩy, chẳng hạn như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa vận hành và bảo trì nhà máy khử mặn, xây dựng những mô hình tưới nhỏ giọt mới được cá nhân hóa đến từng loại cây trồng, từng vùng thổ nhưỡng, từng thời điểm. Nhờ vậy, Israel không chỉ giảm giá thành nước ngọt xuống rất thấp (chỉ còn 0,5 USD/m³) mà thậm chí xuất khẩu nước sang quốc gia láng giềng Jordan, với mỗi năm ít nhất 80 triệu m³.
Những sáng kiến nhỏ có sức lan tỏa lớn
Nếu bài học khai thác và quản lý nước tại Israel là thí dụ về chính sách xuyên suốt nhiều thập niên của một quốc gia, thì cách đó hơn 10.000 km, lại có những câu chuyện thú vị về các cộng đồng nhỏ miệt mài đóng góp những sáng kiến giữ gìn nguồn nước.
Đó là câu chuyện về ngôi làng Los Negros tại tỉnh Chiquitos, Bolivia, nơi từ năm 2003 đã giới thiệu một thỏa thuận đơn giản nhưng mang tính cách mạng về thu hẹp khoảng cách giữa bảo tồn đất ở thượng nguồn và sử dụng nước ở hạ nguồn của một dòng sông.
Theo đó, những người tưới tiêu ở hạ lưu cung cấp tổ ong và đào tạo sản xuất mật ong cho những chủ đất thượng nguồn dựa trên số lượng rừng mà họ bảo tồn trong một năm (từ 10 hecta trở lên). Bắt đầu với sáu nông dân bảo tồn 465 ha rừng, đến năm 2016, đã có 4.500 gia đình bảo tồn 210.000 ha. Mô hình này đã được 40 địa phương của Bolivia áp dụng, làm thay đổi hành vi bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của gần 200.000 người, tất cả nhằm bảo vệ sự ổn định trữ lượng nước thượng nguồn.
Tại Nam Mỹ, những sáng kiến như trên đang nở rộ và giúp khỏa lấp các “khoảng trống chính sách” một cách hiệu quả.
Đơn cử, “Dự án Bảo tồn nước Extrema” tại thành phố cùng tên của Brazil, với mô hình thanh toán cho dịch vụ hệ sinh thái (PES), mà trong đó, nông dân và chủ đất địa phương được đền bù cho việc bảo tồn và phục hồi các khu vực rừng bảo vệ nguồn nước. Dự án được bắt đầu vào năm 2005 và đã thu hút sự chú ý của dân chúng trong nhiều năm qua, khi giúp phục hồi hơn 5.000 hecta rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện khả năng cung cấp nước cho các khu vực đô thị chung quanh, bao gồm cả khu vực vùng đô thị Sao Paulo.
Nằm ở bang Minas Gerais, thành phố Extrema ưu tiên bảo tồn nước tại lưu vực các con sông Piracicaba, Capivari và Jundiai. Được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố và các nhà tài trợ, dự án cung cấp nhiều ưu đãi tài chính, khoảng 70 USD/hecta mỗi năm, cho các chủ đất nông thôn để khôi phục những khu vực bị suy thoái, bảo vệ khe suối đầu nguồn. Các hoạt động chính trong dự án này bao gồm trồng hơn 80 loài cây bản địa để phục hồi các vùng ven sông và cải thiện chu trình nước, thu thập nước mưa, kiểm soát xói mòn, sử dụng hình ảnh vệ tinh, GIS (hệ thống thông tin địa lý) và hệ thống tưới tiêu thông minh để quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Đến nay, dự án đã mang lại lợi ích cho hơn 2.500 gia đình, cải thiện điều kiện nông nghiệp và khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Bảo vệ tài nguyên nước, từ Israel qua Nam Mỹ, từ sáng kiến của cộng đồng địa phương đến những dự án quốc tế, từ những nỗ lực hợp tác đến các chính sách xuyên suốt của một quốc gia, tất cả mang chung một ý nghĩa: Tư duy và hành động bởi nhu cầu cấp thiết của hiện tại, và cả thế hệ mai sau.