QUẢN TRỊ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ

G+ ( dwrm.monre.gov.vn/quan-tri-tai-nguyen-nuoc-tren-nen-tang-cong-nghe-so-15397.htm)

21:00 10/05/2025

Luật tài nguyên nước đầu tiên được ban hành văò năm 1998, trải qua quá trình sửa đổi, bổ sung, đến năm 2023 được sửa đổi bổ sung hoàn thiện đánh dấu bước ngoặt trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Trong đó, Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước là hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước. Từ khi Luật tài nguyên nước 2023 có hiệu lực thi hành, Bộ Nông nghêịp và Môi trường đã có chỉ đạo quyết liệt trong công tác áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên nước nhằm sử dụng nguồn lực một cách hiệu lực, hiệu quả nhất là trong công tác giám sát tài nguyên nước, vận hành liên hồ chứa, dự báo hạn hán thiếu nước, kịch bản nguồn nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đảm bảo “Đúng, đủ, sạch, sống”.

GIÁM SÁT TÀI NGUYÊN NUYÊN NƯỚC TRÊN NỀN TẢNG IoT

Chia sẻ tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” diễn ra vào chiều ngày 10/5 tại tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, nhận thức được việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm quản lý tài nguyên nước hiệu quả, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên nước là yêu cầu cấp thiết, từ năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường triển khai xây dựng Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (https://iot.monre.gov.vn/tnn/).

TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ tại Phiên họp Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám

Với các mục tiêu được đặt ra bao gồm: Theo dõi, giám sát trực tuyến các công trình khai thác, sử dụng nước mặt; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất do Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép (giám sát theo giấy phép); Thiết kế dựa trên các chuẩn mở để đảm bảo vấn đề kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu với các hệ thống của 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước; Kết nối, liên thông được với hệ thống hiện có về quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành; Cập nhật tự động hoặc thủ công các thông tin (lưu lượng, mực nước, chất lượng nước và hình ảnh) vào hệ thống phục vụ giám sát, cảnh báo.

Giao diện Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Mô hình Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tính đến cuối tháng 4/2025, hệ thống đã cập nhật được tổng cộng 13.507 giấy phép tài nguyên nước các loại lên hệ thống, trong đó có 2.270 giấy phép cấp Bộ và 11.237 giấy phép cấp Tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và Nghị định 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, tính đến hết tháng 4/2025 đã có 58 Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai cập nhật, kết nối thông tin của giấy phép tài nguyên nước địa phương vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương.

Cùng với đó, tính đến tháng 4/2025, Hệ thống giám sát tài nguyên nước đã có 831 công trình khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng cấp phép của Bộ NN&MT đăng ký, kết nối truyền dữ liệu về hệ thống. Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phê duyệt kết nối thành công để truyền dữ liệu về hệ thống đối với 810 công trình (công trình nước mặt: 697 công trình; công trình nước dưới đất: 111 công trình; nước biển: 02 công trình).

Hệ thống giám sát tài nguyên nước được xây dựng và đi vào vận hành đã mang lại những kết quả ban đầu, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý tại Trung ương và các địa phương. Từ dữ liệu của các công trình kết nối, truyền về Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương đã góp phần đắc lực cho công tác quản lý điều hành, ra quyết định phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước như: Thu nhận và lưu trữ dữ liệu từ các trạm quan trắc của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo thuận lợi, hiệu quả, nhanh chóng; Tổng hợp, phân tích và xây dựng các biểu đồ, đồ thị liên quan; Thống kê dữ liệu theo thời gian, loại hình, theo đơn vị hành chính, lưu vực sông; Tìm kiếm và quản lý thông tin; Hiện thị các trạm quan trắc trên bản đồ; Đưa ra cảnh báo, thông báo khi có dấu hiệu chuẩn bị vượt ngưỡng hoặc khi đã vượt ngưỡng quy định; Trích xuất dữ liệu, xây dựng báo cáo về danh sách và thông tin về công trình đã kết nối.

Giao diện phân hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép tài nguyên nước

 

Giao diện phân hệ giám sát tài nguyên nước 

VẬN HÀNH QUY TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ VÀ IoT

Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 60 của Luật tài nguyên nước 2012 và khoản 7 Điều 38 của Luật tài nguyên nước 2023 thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng và hoàn thiện 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng (các quy trình được rà soát, cập nhật thường xuyên). Sau khi được ban hành, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Với tổng số khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu trong mùa lũ là đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.

Giao diện hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa 

Để đáp ứng các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, được xây dựng từ năm 2015 (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua). Hệ thống hiện tại đã tiếp nhận số liệu vận hành của hơn 134 hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, bao gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok và sông Đồng Nai.

Những thông tin cần thiết để phục vụ quá trình theo dõi, kiểm tra việc vận hành các hồ theo các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa, làm cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành việc vận hành các hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, gồm: (1) Số liệu mực quan trắc nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập, lưu lượng xả qua phát điện; (2) Số liệu quan trắc lưu lượng, mực nước và các thời điểm mực nước tại các Trạm thủy văn đạt giá trị mực nước theo các cấp báo động và đạt các giá trị mực nước quy định trong các Quy trình vận hành liên hồ chứa; các bản tin dự báo, cảnh báo,…

Các chủ hồ thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông phải cung cấp thường xuyên dữ liệu vận hành tại công trình vào hệ thống.

Các thông tin, số liệu vận hành mà các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa cập nhật lên hệ thống là cơ sở quan trọng trong việc phân tích, đánh giá việc tuân thủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và là cơ sở để Cục Quản lý tài nguyên nước kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành đảm bảo cắt, giảm lũ cho hạ du và phối hợp vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo cấp nước cho hạ du trong trong mùa cạn, các thời kỳ xảy ra hạn hán thiếu nước trên các lưu vực sông và theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa thông qua hình thức văn bản, điện thoại, email,... (hàng năm đã gửi trên 100 văn bản đến các chủ hồ, các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác vận hành).

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời đến các địa phương, các chủ hồ; đôn đốc việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Cử đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại các vùng bị ngập, lụt tại một số tỉnh, thành phố; giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong việc điều hành các hồ chứa theo Quy trình. Đối với mùa cạn, cử các đoàn công tác làm việc với các địa phương để thống nhất phương án chỉ đạo, điều tiết nước các hồ chứa, đặc biệt là trong những thời gian xảy ra hạn hán thiếu nước để đảm bảo việc vận hành các hồ chứa cung cấp đủ nước cho hạ du các lưu vực sông.

XÂY DỰNG BẢN ĐỒ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC THEO THỜI GIAN THỰC

Các lưu vực sông, nhất là vùng hạ du như Hồng - Thái Bình, Đồng Nai - Sài Gòn là những khu vực trọng điểm về kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với nhu cầu khai thác và sử dụng nước gia tăng nhanh chóng, nguồn nước trên các lưu vực sông đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, việc chủ động xây dựng kịch bản nguồn nước là yêu cầu cấp thiết, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Kịch bản nguồn nước, (ví dụ như kịch bản hạn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình) không chỉ cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ hạn hán mà còn hỗ trợ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, để xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước ứng dụng đồng bộ các công nghệ chuyển đổi số hiện đại, đơn vị đã thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Big Data) được cập nhập liên tục, bao gồm: số liệu mưa, dòng chảy, lượng nước hồ chứa, mực nước dưới đất và nhu cầu sử dụng nước...

Việc ứng dụng mô hình số cho phép tất cả dữ liệu được tích hợp vào hệ thống quản lý tập trung, cho phép cập nhật, đồng bộ và truy xuất nhanh chóng. Xây dựng và áp dụng tổ hợp các mô hình số dự báo mưa hạn mùa để dự báo lượng mưa cho 6 tháng tiếp theo nhằm cung cấp thông tin cho các kịch bản.

Để xây dựng bản đồ hạn, đơn vị còn áp dụng mô hình thủy văn dự báo dòng chảy, biến trình mực nước tại các hồ chứa. Sử dụng các phương pháp/thuật toán để phân tích xu thế hạn hán, đánh giá nguy cơ thiếu nước theo vùng, tiểu vùng.

Dựa trên kết quả mô phỏng, các vùng được chia theo mức độ thiếu hụt nước: nhẹ, trung bình, nghiêm trọng. Trên nền tảng GIS, bản đồ hạn được thiết kế. Các vùng hạn được thể hiện trực quan trên bản đồ số, giúp người dùng dễ dàng nhận biết khu vực bị ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và diễn biến theo thời gian.

 

Cùng với việc xây dựng bản đồ hạn hán, các cơ quan quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ NN&MT còn xây dựng các kịch bản nguồn nước. Các kịch bản được thiết lập dựa trên xu thế lượng mưa (so với TBNN, các năm gần đây,..), xu thế dòng chảy, tổng lượng nước tích trữ ở các hồ chứa thủy điện, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất và nhu cầu khai thác, sử dụng của các ngành. Từ đó, phân tích tác động của từng kịch bản đến cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện.

Các sản phẩm nổi bật của quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước lĩnh vực tài nguyên nước, đó là:

  • Bản tin/bản đồ dự báo mưa hạn mùa: Cập nhật định kỳ hằng tháng, cung cấp thông tin về xu thế lượng mưa. Từ đó đưa ra cảnh báo thiếu lượng mưa.

  • Bản tin/bản đồ dự báo dòng chảy, hồ chứa: Dự báo xu thế mưa, đưa ra xu thế dòng chảy các sông chính, lượng nước tích trữ tại các hồ lớn nhằm cảnh báo sớm cho các địa phương, ngành sản xuất chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước.

  • Bản đồ hạn hán theo vùng, theo thời gian: Hiển thị các khu vực bị thiếu nước.

 

DWRM