Bàn giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong quản lý môi trường, tài nguyên nước và viễn thám

G+ ( dwrm.monre.gov.vn/ban-giai-phap-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-trong-quan-ly-moi-truong-tai-nguyen-nuoc-va-vien-tham-15395.htm)

18:00 10/05/2025

Chiều 10/5, tại Bắc Ninh, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Tiểu ban chuyên đề số 3 về môi trường, tài nguyên nước và viễn thám thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tổ chức phiên họp với sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm đánh giá kết quả và định hình chiến lược phát triển cho ba lĩnh vực then chốt: môi trường, tài nguyên nước và viễn thám.

Báo cáo tham luận về “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Trong thời gian qua, đóng góp của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám là không hề nhỏ, cùng với đó là các sản phẩn ứng dụng chuyển giao phục vụ sản xuất, phục vụ quản lý đã từng bước đưa công tác quản lý đạt mục tiêu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó đã đạt được một số kết quả nổi bật về ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ số, kết nối vạn vật (iot), chuyển đổi số trong hoàn thiện pháp luật; đồng thời, hình thành một số hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo trực tuyến ứng dụng kết nối vạn vật (IoT).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tham luận tại cuộc họp

Các cơ quan thuộc Bộ NN&MT đã nghiên cứu các kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT), chuyển đổi số và thực trạng các sản phẩm thương mại sử dụng trong các lĩnh vực nêu trên để hoàn thiện Pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viễn thám đối với quy định về cơ sở dữ liệu; và quy định về chính sách trong nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến cho biết, trên cơ sở quy định của pháp luật về về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã quyết liệt triển khai để đưa các quy định pháp luật vào trong cuộc sống đặc biệt là trong việc thực hiện Chính phủ số và bước đầu đã đạt được một số thành tựu nổi bật, cụ thể: Đối với bảo vệ môi trường, đã xây dựng vận hành 2 Hệ thống áp dụng công nghệ số, kết nối vạn vật (IoT) gồm: (1) Hệ thống tiếp nhận, tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường; (2) Hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động, công bố chỉ số AQI và dự báo chất lượng môi trường.

Đối với tài nguyên nước, ngay sau Luật tài nguyên nước 2023 có hiệu lực, Bộ NN&MT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và đến nay bước đầu đã hình thành sản phẩm thử nghiệm, gồm: (1) Giám sát tài nguyên nguyên nước trên nền tảng IoT (đã cập nhật 11.237 công trình khai thác do địa phương quản lý, 831 công trình do Bộ quản lý); (2) Vận hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên nền tảng công nghệ số và IoT (giám sát và phục vụ điều hòa phân phối tàinguyên nước 11 Quy trình vận hành); (3) Bản đồ hạn hán thời gian thực trên cơ sở công nghệ số (đã có bản Demo hệ thống).

Đối với viễn thám, cơ sở viễn thám quốc gia được vận hành bởi Cục Viễn thám quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu chứa hàng chục ảnh vệ tinh phủ trùm toàn quốc được chụp tại các thời điểm khác nhau được thu thập tại các trạm thu tại Cục như: VNREDSAT-1 (cung cấp dữ liệu độ phân giải 2,5m), SPOT6 (cung cấp dữ liệu độ phân giải 1,5m), KOMPSAT-3A (cung cấp dữ liệu độ phân giải 0,55m);… Các trạm thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám có khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
Về định hướng trong nghiên cứu đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, viến thám trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, cần phải đưa được kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ vào cuộc sống. Trong đó chú trọng việc phục vụ quản lý, quản trị tài nguyên nước trên nền tảng số, công nghệ số đảm bảo định hướng theo Kế hoạch số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về nhiệm vụ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và quy định pháp luật về tài nguyên nước đối với cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ ra quyết định, hệ thống điều hòa phân phối nguồn nước, điều tiết tài nguyên nước theo thời gian thực.

Đối với lĩnh vực môi trường, cần phải đưa được kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ áp dụng cho việc hoàn thiện chính sách phục vụ công tác quản lý; và xây dựng được những giải pháp, mô hình, công nghệ trong xử lý môi trường, quan trắc giám sát, cảnh báo môi trường.

Đối với lĩnh vực viễn thám, cần ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám trong: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thám; (2) Đẩy mạnh xây dựng CSDL viễn thám quốc gia thành CSDL lớn; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát các lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (4) Triển khai đề án khoa học và công nghệ theo quyết định số 860/BNNMT-KHCN ngày 09/04/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc xây dựng kế hoạch, đặt hàng các nhiệm vụ KHCN bắt đầu thực hiện từ năm 2026 theo chủ trương Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị quyết số 71/NQ-CP về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi giải pháp nhằm có những đột phá mới về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong quản lý môi trường, tài nguyên nước và viễn thám.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường, Trưởng Tiểu ban 3 phát biểu tại phiên họp

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường, Trưởng Tiểu ban nhấn mạnh rằng, những kết quả hiện có không chỉ mang tính định hướng chính sách, mà đã bước đầu tạo nên nền tảng dữ liệu và công nghệ phục vụ quản lý Nhà nước, dự báo môi trường và viễn thám.

Từ kết quả thảo luận tại phiên họp, Tiểu ban đã xác lập 4 định hướng chiến lược mang tính chất đột phá:
Một là, cải cách thể chế. Cùng với việc rà soát và hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Tiểu ban kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Viễn thám, nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực còn rất mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), đây là một yêu cầu sống còn trong quản trị hiện đại. Không chỉ kết nối các nguồn dữ liệu hiện có, định hướng này đặt trọng tâm vào tích hợp trí tuệ nhân tạo để phục vụ dự báo và điều hành chính sách.

Ba là, phát triển kinh tế tuần hoàn tài nguyên, đặc biệt trong các ngành sản xuất có lượng phụ phẩm lớn như nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Đây không chỉ là bài toán môi trường, mà còn là hướng đi để tối ưu hóa giá trị sản phẩm và giảm áp lực chất thải.

Bốn là, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, từ trang thiết bị đến mạng lưới thu thập dữ liệu nhằm để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu dự báo và quản lý tổng hợp tài nguyên.

Quang cảnh phiên họp

Để hiện thực hóa các định hướng trên, Tiểu ban đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó có yêu cầu thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung trong toàn ngành; phát triển bộ chuẩn dữ liệu thống nhất; đầu tư nhân lực chất lượng cao; và nâng cấp các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm để đón đầu công nghệ mới.

Quang cảnh phiên họp

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thực chất và trách nhiệm của các đại biểu.

Thứ trưởng ghi nhận, dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu và cơ chế tài chính chưa thật linh hoạt, nhưng những kết quả hiện tại là nỗ lực rất lớn của đội ngũ nghiên cứu, các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành.

“Sau hội nghị này, khi ngân sách dành cho khoa học được phân bổ theo tinh thần 2% tổng chi ngân sách như Nghị quyết đã đề ra, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để triển khai mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn, giải quyết trực tiếp những vấn đề cấp bách và dài hạn của ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tăng ngân sách chỉ có ý nghĩa nếu được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mang tính hình thức. “Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tôi tin rằng nguồn kinh phí 2% này sẽ thực sự trở thành động lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững” -Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tài nguyên ngày càng suy kiệt và yêu cầu phát triển xanh, bền vững đã trở thành ưu tiên toàn cầu, những chuyển động tại phiên họp của Tiểu ban chuyên đề số 3 là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chuyển đổi nhận thức sang hành động, từ chính sách đến công nghệ, từ dữ liệu đến con người, vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, đầu tư đồng bộ và tinh thần không khoan nhượng với sự trì trệ.

DWRM