G+ ( dwrm.monre.gov.vn/ban-hanh-quy-che-lam-viec-cua-cuc-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-15321.htm)
Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đã ký Quyết định số 66/QĐ-TNN ngày 8/4/2025 ban hành Quy chế làm việc của Cục Quản lý tài nguyên nước.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, quan hệ công tác; phạm vi, cách thức, quy trình giải quyết công việc; chương trình công tác và chế độ thông tin, báo cáo của của Cục Quản lý tài nguyên nước. Quy chế này áp dụng đối với Lãnh đạo Cục, các đơn vị thuộc Cục; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị trực thuộc Cục; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Về nguyên tắc làm việc, Cục Quản lý tài nguyên nước làm việc theo chế độ thủ trưởng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, thông suốt của Cục trưởng đối với các lĩnh vực công tác của Cục; mọi hoạt động của Cục phải tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quy chế làm việc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và của Cục.
Đề cao trách nhiệm cá nhân, nêu gương của người đứng đầu. Một cơ quan, một người được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một đơn vị, một người chịu trách nhiệm chính. Trường hợp một việc liên quan tới nhiều đơn vị thì phải có một đơn vị đầu mối chủ trì. Nhiệm vụ được giao cho cơ quan, đơn vị nào chủ trì thì Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và chịu trách nhiệm về nội dung, thời gian, chất lượng, kết quả phối hợp công tác.
Công chức, viên chức chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công; đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác, Quy chế làm việc của Bộ và của Cục, trừ trường hợp theo yêu cầu đột xuất hoặc có yêu cầu của cơ quan cấp trên, của người có thẩm quyền;…
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Cục trưởng
Cục trưởng là người đứng đầu Cục, chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng, Thứ trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động quản lý nhà nước của Cục.
Cục trưởng chỉ đạo, điều hành toàn diện công tác của Cục theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện các công việc lớn, quan trọng, các nhiệm vụ mang tính chiến lược thuộc lĩnh vực quản lý của Cục và các nhiệm vụ được Bộ trưởng, Thứ trưởng giao, uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc thuộc phạm vi quản lý của Cục, bao gồm cả những việc đã phân công cho các Phó Cục trưởng nhưng Cục trưởng thấy cần thiết phải giải quyết vì nội dung cấp bách hoặc quan trọng; những việc liên quan đến từ hai Phó Cục trưởng trở lên nhưng còn có ý kiến khác nhau; phân công các Phó Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo, giải quyết một số công việc, lĩnh vực, địa bàn công tác và một số đơn vị trực thuộc Cục;
Khi Cục trưởng vắng mặt, Cục trưởng ủy nhiệm cho một Phó Cục trưởng thay mặt Cục trưởng điều hành công việc của Cục; khi Phó Cục trưởng vắng mặt, Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc hoặc phân công một Phó Cục trưởng khác giải quyết công việc sau đó thông báo lại kết quả làm việc;
Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Lãnh đạo Bộ hoặc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Cục; Quyết định phân cấp, uỷ quyền cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật;
Ngoài các cách thức giải quyết công việc nêu trên, Cục trưởng giải quyết công việc thông qua: Đi công tác; kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật tại địa phương, cơ sở; giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; trả lời kiến nghị của cử tri, người dân, doanh nghiệp và địa phương; họp báo; tiếp công dân và các cách thức giải quyết công việc khác.
Cục trưởng thảo luận tập thể trong Lãnh đạo Cục hoặc thành lập Tổ công tác để tham mưu trước khi quyết định những vấn đề sau: Chiến lược, quy hoạch phát triển lĩnh vực; Chương trình, kế hoạch công tác của Cục, của Bộ, của lĩnh vực; chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 05 năm và hàng năm của Cục; Phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, hàng năm của Cục; dự kiến điều chỉnh các cân đối lớn trong dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển; Công tác tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ của Cục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế của Cục;…
Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Cục trưởng
Mỗi Phó Cục trưởng được Cục trưởng phân công phụ trách, chỉ đạo, xử lý một số nhiệm vụ công tác của Cục; phụ trách, chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc Cục;
Trong phạm vi công việc được giao, Phó Cục trưởng được sử dụng quyền hạn của Cục trưởng và nhân danh Cục trưởng khi giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về những quyết định của mình và thường xuyên báo cáo Cục trưởng về các công việc được giao phụ trách, chỉ đạo giải quyết; báo cáo Cục trưởng trước khi quyết định đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm (liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thanh tra, kiểm tra, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Phó Cục trưởng hoặc theo yêu cầu của Cục trưởng).
Các Phó Cục trưởng Chủ động chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và giải quyết việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và các văn bản quản lý khác được Cục trưởng phân công; phát hiện và đề xuất những vấn đề vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung;
Trong quá trình giải quyết công việc nếu có các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ do các Phó Cục trưởng khác phụ trách thì Phó Cục trưởng được giao chủ trì giải quyết công việc cần chủ động trực tiếp trao đổi, thống nhất để giải quyết. Trường hợp giữa các Phó Cục trưởng còn có ý kiến khác nhau thì Phó Cục trưởng đang được giao chủ trì giải quyết công việc đó báo cáo Cục trưởng xem xét, quyết định;…
Trách nhiệm, phạm vi và mối quan hệ giải quyết công việc của Trưởng các đơn vị thuộc Cục
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục tổ chức thực hiện công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Cục trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, kể cả khi đã phân công hoặc uỷ nhiệm cho cấp phó; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và của Cục;
Thực hiện những nhiệm vụ do Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng giao; được Cục trưởng ủy quyền giải quyết hoặc ký một số văn bản thuộc thẩm quyền của Cục trưởng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Cục trưởng về quyết định giải quyết công việc được ủy quyền;
Xây dựng chương trình công tác tháng, quý, năm của cá nhân và đơn vị; Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách mới và sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để giải quyết các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tổ chức thực hiện công việc của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Cục, các chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở; ban hành và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của đơn vị theo hướng dẫn của Cục; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị;…
Chánh Văn phòng Cục ngoài trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Trưởng các đơn vị thuộc Cục còn có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc giúp Cục trưởng và Lãnh đạo Cục trong công tác chỉ đạo, điều hành công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị.
Công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, các quy định về cách thức, chế độ, thời gian làm việc, thực hiện tác phong văn minh nơi công sở của công chức, viên chức ngành nông nghiệp và môi trường.
Công chức, viên chức chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ trưởng đơn vị, trước Lãnh đạo Cục và trước pháp luật về tiến độ, chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; tuân thủ các quy định về nội dung, hình thức, thể thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản và quy trình giải quyết công việc được phân công theo dõi; Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn được phân công theo dõi; thực hiện các công việc được Thủ trưởng đơn vị hoặc Lãnh đạo Cục giao theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;…
Quy chế làm việc của Cục Quản lý tài nguyên nước cũng quy định cụ thể về quan hệ công tác giữa Lãnh đạo Cục với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục; Quan hệ công tác giữa các Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Cục; Trách nhiệm, quy trình giải quyết công việc; Chương trình, kế hoạch công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước; Trách nhiệm giải quyết công việc và thẩm quyền ký các văn bản của Cục trưởng, các Phó Cục trưởng; Chế độ thông tin, báo cáo;…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 166/QĐ-TNN ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước ban hành Quy chế làm việc của Cục Quản lý tài nguyên nước.
DWRM